Hội nghị có sự tham gia của hơn 200 đại biểu thuộc 21 nền kinh tế thành viên APEC và đại diện các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Tài chính Tạ Anh Tuấn dẫn đầu tham dự.
Với chủ đề “Thúc đẩy số hóa, đạt được mục tiêu bền vững”, hội nghị đã thảo luận về triển vọng kinh tế và tài chính đồng thời chia sẻ quan điểm về các hành động chính sách hợp tác để đạt được Tầm nhìn Putrajaya 2040, bao gồm thông qua Kế hoạch Hành động Aotearoa, nhằm phát triển một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai.
Hội nghị đã rà soát và thảo luận triển khai sáng kiến của năm 2022 là “Tài chính bền vững” và “Số hoá nền kinh tế”. Trong đó, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom khẳng định việc tạo điều kiện để tất cả các khu vực thành phần kinh tế có thể tiếp cận tài chính bền vững và hiệu quả có vai trò đặc biệt quan trọng để đạt được tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững, đồng thời khai thác triệt để sức mạnh của số hóa đối với chính sách tài khóa và tài chính bao trùm, bao gồm giảm khoảng cách công nghệ số giữa các nhóm kinh tế - xã hội khác nhau.
Các đại biểu dự hội nghị đã chia sẻ ý kiến về tình hình kinh tế trong thời kỳ hậu COVID-19, các yếu tố tích cực và tiêu cực đối với phục hồi kinh tế và thảo luận các chính sách tài chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tập trung vào việc thực hiện tốt 2 trụ cột “Tài chính bền vững” và “Số hóa nền kinh tế”.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực APEC phải đối diện với nhiều thách thức, phục hồi không đồng đều và chưa toàn diện, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng GDP quý III/2022 ở mức khá cao 13,67% so với cùng kỳ năm trước tạo nên mức tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83% - là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Theo ông Tạ Anh Tuấn, việc Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ đã góp phần kiềm chế lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà cho phục hồi tăng trưởng GDP dự kiến đạt 7,5-8% trong năm 2022.
Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cũng cho biết để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia, ưu tiên điều hành chính sách tài khóa của Việt Nam trong những năm tới gắn với hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả phân bổ các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững; quản lý chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công và cải thiện dư địa tài chính góp phần nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia; thiết lập nền tảng tài chính số, cải cách hành chính nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước...
Do vậy, những nội dung hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2022 với các nội dung chính tập trung vào “Tài chính bền vững” và “Số hóa nền kinh tế” đặc biệt thiết thực và gắn kết với tầm nhìn và nhiệm vụ của Bộ Tài chính Việt Nam hiện nay.
Hội nghị tái khẳng định vai trò tích cực của các chính sách cải cách cơ cấu và kinh tế vĩ mô nhằm tạo tiền đề cho tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, bao trùm, đổi mới và bền vững phục vụ cho mục tiêu nâng cao mức sống trong khu vực. Với tư cách chủ nhà APEC 2022, Thái Lan mong muốn thúc đẩy các vấn đề khác nhau liên quan đến tính bền vững cho các thành viên APEC, chẳng hạn như cấp quyền truy cập vào các quỹ phát triển bền vững và áp dụng công nghệ kỹ thuật số để thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số.
Hội nghị là sự kiện đánh dấu thời điểm chuyển giao Tiến trình Bộ trưởng Tài chính năm 2022 do Thái Lan chủ trì sang Mỹ, nước chủ nhà của APEC trong năm 2023.
Trong ngày 20/10, Đối thoại điều hành của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) với các trưởng đoàn tham dự hội nghị cũng được tổ chức, tập trung vào các lĩnh vực tiếp cận tài chính kỹ thuật số và hợp tác giữa chính phủ và các khu vực tư nhân. Các đại biểu đã thảo luận về tài chính số toàn diện, bao gồm: Phát triển hệ thống dữ liệu mở trong nhiều lĩnh vực trong Khu vực APEC; Xây dựng hạ tầng giao dịch số cho các các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng; Thúc đẩy sự phát triển của tiền số điện tử của Ngân hàng trung ương một cách hiệu quả và dễ vận hành.