Thực trạng hoạt động cung cấp thanh khoản của ECB
ECB đã bơm tiền vào hệ thống tài chính suốt hơn 10 năm qua nhằm mục đích đưa thanh khoản vào nền kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) để thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát. Sự dư thừa thanh khoản này, vốn là tàn dư từ cuộc khủng hoảng nợ của khối và một khoảng thời gian lạm phát ở mức thấp khiến ECB phải xoay sở bằng cách áp dụng chính sách lãi suất âm, đã không còn phù hợp với thực trạng nền kinh tế hiện tại, với lãi suất và lạm phát cao.
Vấn đề lớn nhất của ECB là lượng tiền này – 3.500 tỷ euro (khoảng 3.823 tỷ USD) thanh khoản dư thừa trong hệ thống – đang tiêu tốn hàng tỷ euro vì các ngân hàng lại quay lại gửi số tiền này ở ECB với lãi suất 4%. Một vấn đề khác nữa là các ngân hàng hiện đang phục thuộc rất nhiều vào ECB để có thanh khoản, và điều này đang hủy hoại thị trường liên ngân hàng. Nhiều nhà hoạch định chính sách hiện đang muốn vực dậy hoạt động cho vay liên ngân hàng, và ECB chỉ đóng vai trò dự phòng.
Suốt 10 năm qua, ECB đang cung cấp tiền vào hệ thống thông qua ba kênh. Thứ nhất, ECB in hàng nghìn tỷ euro và dùng chúng để mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp từ thị trường. Chính sách này gọi là nới lỏng định lượng (QE). Phần lớn lượng trái phiếu này vẫn còn nằm trên sổ sách của ECB và đem lại mức lợi suất thấp hơn nhiều so với mức lãi suất 4% mà ngân hàng này phải trả cho các khoản tiền gửi.
Thứ hai, ECB cũng cấp cho các ngân hàng các khoản vay kỳ hạn nhiều năm thông qua Hoạt động tái cấp vốn dài hạn có mục tiêu (Targeted Longer-Term Refinancing Operations – TLTRO), nhưng hoạt động này đã dừng lại và phần lớn các khoản vay đã được trả sớm.
Thứ ba, ECB còn cung cấp tiền vào hệ thống thông qua các hoạt động thường kỳ như hoạt động tái cấp vốn hàng tuần – một công cụ hầu như không còn mấy nhu cầu trong những năm gần đây.
Những thay đổi có thể xảy ra
ECB được dự đoán sẽ áp dụng một hệ thống dựa trên nhu cầu. Theo đó, các ngân hàng sẽ phải báo cáo với ECB họ muốn vay bao nhiêu, thay vì ngân hàng trung ương cứ cung cấp vốn cho họ thông qua việc mua trái phiếu. Hệ thống hoạt động dựa trên nhu cầu như vậy sẽ giảm lượng thanh khoản mà ECB phải duy trì và khuyến khích các ngân hàng thương lại cho nhau vay.
ECB vẫn sẽ đặt ra mức lãi suất “sàn”, tức mức lãi suất thấp nhât mà các ngân hàng cho nhau vay, thông qua lãi suất mà ECB trả cho lượng tiền gửi của các ngân hàng thương mại, hiện đang là 4%.
ECB cũng có thể sẽ cung cấp một phần thanh khoản thông qua một “danh mục đầu tư cơ cấu” bao gồm trái phiếu và các khoản cho vay dài hạn. Điều này có nghĩa là vào một luc nào đấy, ECB sẽ không để các trái phiếu mà ngân hàng này mua theo chính sách QE đáo hạn, và có thể tái khởi động một số hoạt động mua vào để duy trì một mức tiền mặt nhất định trong hệ thống.
Một thay đổi mà nhiều nhà hoạch định chính sách đang vận động, đó là tăng mức dự trữ tối thiểu đối với các ngân hàng thương mại, khả năng cao sẽ không xảy ra. Các ngân hàng phải giữ một khoản tiền ở ECB với lãi suất 0%. Nhiều ngân hàng trung ương, nhất là Ngân hàng trung ương Đức, muốn nâng tỷ lệ dự trữ tối thiểu này lên để tăng số tiền gửi không sinh lời của các ngân hàng thương mại, qua đó giảm số tiền lãi mà ECB phải trả.
Tuy nhiên, bất cứ thay đổi nào của ECB cũng phải mất nhiều năm mới có thể được áp dụng một cách đầy đủ. Lượng trái phiếu mua vào trong 10 năm khủng hoảng sẽ đáo hạn trong nhiều năm, có nghĩa là lượng thanh khoản dư thừa sẽ chỉ giảm rất chậm. Khu vực ngân hàng sẽ có lượng vốn dự phòng nhiều hơn mức cần thiết cho đến năm 2029, theo ước tính của ECB.
ECB có thể đẩy nhanh quá trình này bằng cách bán trái phiếu, nhưng như vậy sẽ tạo ra những khoản lỗ lớn, điều mà nhiều nhà hoạch định chính sách không hề muốn.