Theo đó, VN-Index giảm gần 15 điểm trong ngày đáo hạn phái sinh, trả lại 2/3 số điểm của phiên trước có được.
Kết thúc phiên chiều 16/3, sàn Hose có 55 mã tăng và 358 mã giảm, VN-Index giảm 14,79 điểm (-1,39%), xuống 1.047,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 532,9 triệu đơn vị, giá trị 9.401 tỷ đồng, giảm hơn 14% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 68,7 triệu đơn vị, giá trị 1.408 tỷ đồng.
Nhóm bluechip như: HDB -3,5% xuống 17.850 đồng/cổ phiếu; PLX -3,5% xuống 36.350 đồng/cổ phiếu; VHM -3,3% xuống 44.500 đồng/cổ phiếu; STB -3% xuống 24.600 đồng/cổ phiếu; VJC -2,8% xuống 102.000 đồng/cổ phiếu. Trong phiên chiều 16/3, nhóm cổ phiếu ngành khai khoáng, vật liệu xây dựng, ngân hàng và nhóm bất động sản bị kéo xuống bởi các mã vốn hóa lớn
Nhóm ngân hàng ngoại trừ EIB +0,3%, còn lại các mã giảm sâu như: HDB -3,5%; STB -3%; VIB -2,3%; OCB -2,2%; PGB -2,1%, CTG -1,9%; VPB -1,8%...
Chốt phiên chiều 16/3, sàn HNX có 42 mã tăng và 124 mã giảm, HNX-Index giảm 2,82 điểm (-1,36%), xuống 204,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,29 triệu đơn vị, giá trị 730,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 4,4 triệu đơn vị, giá trị 82,5 tỷ đồng.
Đề cập về việc mới đây NHNN đã điều chỉnh giảm 1% các loại lãi suất điều hành, đồng thời lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với lĩnh vực ưu tiên cũng giảm từ 5,5% xuống 5%/năm, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết: Động thái điều chỉnh lãi suất của NHNN trong thời điểm này là phù hợp với điều kiện hiện nay, cũng như phản ánh cả quá trình NHNN nỗ lực hạ nhiệt lãi suất trong thời gian vừa qua.
Sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ ngày 10/3 đã làm chỉ số đồng USD yếu đi, giảm áp lực lên tỷ giá, cũng như nhiều khả năng sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) “chùn tay” trong việc tiếp tục tăng lãi suất.
Theo bà Hiền, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước diễn biến phức tạp, nhiều rủi ro không lường trước (như lạm phát, căng thẳng địa chính trị, rủi ro đổ vỡ hệ thống tài chính…), việc giảm lãi suất điều hành được xem là một trong những giải pháp đầu tiên của NHNN nhưng sẽ vẫn tiếp tục từng bước thận trọng bám sát diễn biến của thị trường sẽ có hành động phù hợp với mục tiêu chính là hạ nhiệt lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
“Lãi suất hạ nhiệt là tin tốt đối với nền kinh tế, cũng như hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp, một mặt vừa kích thích nhu cầu sử dụng vốn; mặt khác hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận với vốn vay với chi phí thấp hơn. Nhưng trong nửa đầu năm, mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm sâu và vẫn duy trì ở mức cao do yếu tố FED tăng lãi suất vẫn còn đó. Bên cạnh đó, những rủi ro trong nước như nút thắt của thị trường bất động sản, áp lực thanh toán ngắn hạn của các doanh nghiệp có trái phiếu sắp đáo hạn. Vì vậy, đà tăng của TTCK trong nửa đầu năm vẫn chưa thật sự bền vững”.
Hiện đại diện Công ty Chứng khoán VNDirect chưa có sự đánh giá cụ thể về tác động đến lợi nhuận của các ngân hàng như thế nào. Giảm lãi suất đầu ra trong khi lãi suất đầu vào chưa giảm kịp, về lý thuyết sẽ ảnh hưởng đến lợi suất tài sản của các ngân hàng thương mại. Song, cũng phải tính tới việc khi lãi suất giảm phù hợp sẽ kích thích nhu cầu sử dụng vốn của các doanh nghiệp. Tín dụng trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 0,77%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm nước.
“Với kỳ vọng lãi suất sẽ bắt đầu giảm mạnh hơn vào nửa cuối năm, tôi cho rằng tăng trưởng tín dụng sẽ phần nào bù đắp cho việc suy giảm biên lợi nhuận ròng (NIM) của các ngân hàng thương mại”, bà Trần Thị Khánh Hiền cho biết.