Tại Hội nghị Lấy ý kiến về quy định liên quanh đến vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề khác có liên quan đến phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính diễn ra ngày 28/2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Giai đoạn 2013 - 2020, số thu từ đất đai (chuyển nhượng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất) trung bình đạt khoảng gần 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng hơn 15% tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Như vậy, trong 9 năm qua, đã có khoảng 1,6 triệu tỷ đồng tiền thu từ đất.
Sau 10 năm thi hành, Luật Đất đai đã tạo hành lang pháp lý chặt chẽ trong khai thác nguồn lực từ đất đai. Chính sách đất đai về nhà ở xã hội đạt được một số kết quả quan trọng. Khung giá đất và bảng giá đất được xây dựng theo quy định, có tính đến giá đất phổ biến trên thị trường.
Chính sách tài chính hoàn thiện, là cơ sở huy động khoản thu cho NSNN. Chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội khó khăn.
Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện đề cập đến nhiều khái niệm mới như: “Quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất”; “đất sử dụng đa mục đích”; giá đất theo “vùng giá trị”; “thửa đất chuẩn”, “quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không”... liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính.
“Các nội dung này đều là vấn đề lớn, có tác động sâu, rộng đến nhiều mặt, nhiều tầng lớp, thành phần xã hội. Vì vậy, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị lấy ý kiến rộng rãi của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức để làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến tài chính đất đai quy định tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.
Thuế chuyển nhượng bất động sản được coi là một trong những công cụ hữu hiệu chống đầu cơ bất động sản mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Mức thuế chuyển nhượng bất động sản được quy định rất cao để có khả năng tác động làm giảm các giao dịch mua bán bất động sản khi bất động sản đó mới được sở hữu/sử dụng trong thời gian rất ngắn.
Theo đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), đa phần các quốc gia đánh thuế đối với đất, nhà và các công trình xây dựng trên đất. Hầu hết các quốc gia xác định giá trị tính thuế bất động sản dựa trên giá trị thị trường và thiết lập ổn định giá trị tính thuế trong một thời gian nhất định (thường là 3 – 5 năm). Tuy nhiên, vẫn có quốc gia thực hiện công bố giá tính thuế bất động sản hàng năm.
Nhiều quốc gia ngày càng có xu hướng áp dụng biểu thuế suất lũy tiến (theo tỷ lệ %) nhằm đạt được mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội (điều tiết thu nhập). Ngoài ra cũng có quốc gia thực hiện xác định giá trị thị trường của bất động sản ở các khu vực khác nhau, theo đó quy định một mức thuế suất cho từng khu vực. “Điều kiện thiết yếu để xác định giá trị tính thuế bất động sản dựa trên giá trị thị trường là sự minh bạch, dữ liệu, chất lượng các công ty thẩm định và các yếu tố chủ quan khác”, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết.
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), các nội dung quy định tại dự thảo Luật và các nội dung khác liên quan đến phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính như: Điều 147 về khoản thu tài chính từ đất; Điều 149 về khoản thu từ dịch vụ công từ đất đai; Điều 150, căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất' Điều 154 về Bảng giá đất; Điều 113 về Quỹ phát triển đất...
“Chính sách tài chính về đất đai gồm 2 nội dung cơ bản: Giá đất và chính sách thuế. Chính sách về giá đất do Nhà nước quy định phải phù hợp với thị trường. Chính sách thuế phải là công cụ quản lý khoản thu tài chính về đất đai, nhằm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, tránh tình trạng đầu cơ, lũng đoạn về đất đai. Tuy nhiên, 2 vấn đề này quy định tại 3 luật khác nhau (Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật quản lý ngân sách). Để hiệu quả trong công tác quản lý, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Quốc hội đảm bảo đồng bộ giữa chính sách thuế, tài chính và Luật Đất đai, để có cơ chế thu đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu tăng thêm của giá trị đất mang lại”, ông Vũ Đình Xứng - Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh đề xuất.
Ông Phạm Đình Cường - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho rằng: Về giá đất, theo nguyên tắc Nghị quyết 18-NQ/TW là theo nguyên tắc thị trường, nhưng tổng kết này, chúng ta đưa ra nhận định, bảng giá đất quá thấp. “Dường như chúng ta có cảm giác, việc thực hiện đưa ra Luật Đất đai mới và các văn bản hướng dẫn nhằm mục đích đẩy giá đất lên vì chúng ta đưa ra nhận định giá đất hiện quá thấp so với thị trường. Tuy nhiên, cần phải phân tích kỹ, thị trường là ai? là người sở hữu quỹ hàng hóa lớn nhất thì người đó quyết định thị trường. Hiện Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất công, trong đó đất công là phần lớn nên cần phải có tác động ngược lại, nghĩa là Nhà nước quyết định giá để thị trường quay xung quanh giá Nhà nước quyết định, chứ không phải đẩy giá của Nhà nước lên cao”, ông Phạm Đình Cường nhận xét.
Theo vị chuyên gia này, nếu như tiếp tục xu hướng đẩy giá đất lên thì sẽ gây rất nhiều hệ lụy, giá đất đền bù lên, thị trường bất động sản lúc thì sốt lúc thì đóng băng, điều tiết của Nhà nước thì thấp. Do đó, lần này việc xây dựng Bảng giá đất để tất cả các giao dịch về đất xoay xung quanh Bảng giá đất. Cũng theo ông Phạm Đình Cường, trong toàn bộ các khoản thu về đất, hiện nay thu về giao dịch về đất thông qua Bảng giá đất chỉ chiếm từ 7 - 10% tổng số giao dịch. Như vậy, việc xây dựng Bảng giá đất rất kỳ công chỉ để sử dụng cho một số mục đích, thời gian tới làm thế nào phải kiểm soát được 70-80% tổng số giao dịch?
“Để đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, thông qua đấu giá, trong toàn bộ dự thảo Luật thiếu 1 điều có tính nguyên tắc đó là việc giao đất, cho thuê đất phải thông qua đấu giá, trừ một số trường hợp”, ông Phạm Đình Cường đề xuất thêm.
Dự thảo Luật gồm 16 chương, 236 điều; trong đó có 1 chương (18 điều, từ Điều 147 - Điều 164) quy định về vấn đề "Tài chính về đất đai, giá đất", quy định các nguyên tắc, nội dung cơ bản về các khoản thu tài chính từ đất đai và giá đất như: Các khoản thu từ đất đai; điều tiết nguồn thu từ đất; căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết của dự án; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; nguyên tắc, phương pháp định giá đất; bảng giá đất; giá đất cụ thể…
Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn có các quy định không phải về tài chính về đất đai nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề này như phân loại đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; công nhận (cấp giấy chứng nhận) quyền sử dụng đất; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng,… Đặc biệt, dự thảo Luật đề cập đến nhiều khái niệm mới như: "Quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất", "Đất sử dụng đa mục đích", giá đất theo "vùng giá trị", "thửa đất chuẩn", "quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không"... liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính.