Thông thường, những tháng cuối năm, các ngân hàng đều tăng lãi suất huy động để tăng thanh khoản, đẩy mạnh cho vay. Thế nhưng năm nay, diễn biến này đi ngược lại, khi các ngân hàng liên tục công bố hạ lãi suất huy động.
Mới đây nhất, ngày 19/12, VIB tiếp tục giảm lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi từ 1 - 36 tháng. Đây là lần thứ 3 trong tháng, VIB giảm lãi suất huy động. Trước đó, ngân hàng này đã giảm lãi suất huy động trong hai ngày liên tiếp (14 và 15/12).
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến mới nhất, lãi suất tiền gửi tại VIB giảm 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng và giảm 0,1%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 đến 36 tháng. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng hiện còn 3,6%/năm, kỳ hạn 2 - 5 tháng là 3,7%/năm.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 - 11 tháng tại VIB sau khi giảm đã chính thức mất mốc 5%/năm, chỉ còn 4,9%/năm; kỳ hạn 15 - 18 tháng hiện còn 5,3%/năm, trong khi kỳ hạn 24 - 36 tháng đang có lãi suất 5,5%/năm. Hiện tại, lãi suất 5,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 24 - 36 tháng cũng là mức lãi suất cao nhất tại VIB.
Tương tự, ngân hàng VPBank cũng vừa giảm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn tiền gửi từ 6 - 12 tháng. Đây là lần thứ hai trong tháng, ngân hàng này thực hiện giảm lãi suất huy động. Theo đó, đối với tiền gửi trực tuyến dưới 1 tỷ đồng, lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 11 tháng tại VPBank giảm 0,3%/năm xuống chỉ còn 4,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% còn 5,1%/năm, kỳ hạn 13 tháng giảm 0,1% còn 5,2%/năm.
VPBank có chính sách cộng thêm lãi suất cho các mức tiền gửi khác nhau với mức cộng thêm lần lượt 0,1%/năm cho số tiền gửi từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng, từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng và từ 10 tỷ đồng trở lên.
Cũng trong ngày 19/12, Saigonbank giảm lãi suất ở các kỳ hạn tiền gửi 1 - 12 tháng, qua đó trở thành ngân hàng thứ 18 giảm lãi suất kể từ đầu tháng. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến của Saigonbank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 5 tháng giảm nhẹ 0,1%/năm và giảm mạnh nhất ở các kỳ hạn 6 - 12 tháng với mức 0,3%/năm. Với việc điều chỉnh lãi suất, biểu lãi suất huy động trực tuyến mới nhất của Saigonbank cao nhất 12 tháng là 5,1%; thấp nhất ở kỳ hạn 1 - 3 tháng là 3,2 - 3,4%.
Ghi nhận biểu lãi suất các ngân hàng ngày 19/12, lãi suất PVcombank đang dẫn đầu thị trường kỳ hạn 13 tháng. Cụ thể, PVcomBank đang niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất kì hạn 13 tháng là 10,5%/năm đối với sản phẩm tiết kiệm đại chúng, áp dụng gửi tiết kiệm tại quầy cho số dư tiền gửi mở mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Ở điều kiện thường, PVcomBank đang niêm yết lãi suất cao nhất kỳ hạn 13 tháng ở mức 5,3%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy.
Theo sau, HDBank áp dụng mức 8,4%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 300 tỷ đồng. Khi khách hàng gửi online, ở điều kiện thường chỉ nhận lãi suất 5,9%/năm. Nếu gửi tại quầy chỉ nhận lãi suất 5,7%/năm.
Trong khi đó, OceanBank đang niêm yết lãi suất cao nhất kỳ hạn 13 tháng ở mức 5,8%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm online, lĩnh lãi cuối kỳ. Khách hàng gửi tiền tại quầy chỉ nhận lãi suất 5,7%/năm.
NCB đang niêm yết lãi suất kì hạn 13 tháng ở mức cao nhất 5,8%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm An Phú, lĩnh lãi cuối kỳ. Khách hàng gửi tiết kiệm truyền thống nhận lãi suất 5,65%/năm.
CBBank niêm yết lãi suất kỳ hạn 13 tháng ở mức 5,5%/năm khi khách hàng gửi tiền online. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất CBBank đang niêm yết trong các kỳ hạn.
Như vậy, kể từ đầu tháng 12 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã giảm lãi suất huy động là HDBank, Techcombank, Eximbank, KienLongBank, SCB, PGBank, MB, MSB, NamA Bank, ABBank, Vietcombank, BIDV, VIB, VPBank, TPBank, Saigonbank.
Trong đó, MB, Eximbank, SCB, Techcombank, VPBank là những ngân hàng đã giảm lãi suất 2 lần kể từ đầu tháng. Đặc biệt, BIDV và VIB có tới 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc các ngân hàng lớn hạ thấp lãi suất huy động cũng phù hợp với mức độ lạm phát và mất giá của đồng tiền Việt Nam hiện nay. Trong thực tế, đồng Việt Nam chỉ giảm giá so với đồng USD ở mức hơn 1,7%.
Thêm nữa, thời gian qua, các ngân hàng lớn đã có mức huy động vốn cho nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối lớn, nhưng khả năng sử dụng các nguồn vốn này vào các hoạt động sản xuất kinh doanh đem lại lợi nhuận chưa được như mong muốn. Vì thế, lượng tiền tệ tồn kho trong các ngân hàng lớn cũng tương đối cao. Để giải quyết vấn đề này và phù hợp thực tiễn, các ngân hàng lớn quyết định hạ thấp hơn lãi suất huy động so với thời gian trước đây và có thể nói, đây là mức lãi suất huy động thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.