Chứng khoán cuối tuần đỏ sàn, VN-Index quay về ngưỡng 1.200 điểm

Sáng 17/6, thị trường chứng khoán (TTCK) rớt mạnh ngay khi vừa mở cửa. Hầu hết các ngành trọng điểm đều rớt sâu khiến các sàn đều chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index liên tục trồi sụt ở ngưỡng 1.200 điểm, thậm chí đã bị xuyên thủng vào lúc 10 giờ 42 phút.

Chú thích ảnh
Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng đến thị trường trong phiên sáng 17/6. Ảnh chụp màn hình

Trong các ngành giảm mạnh, chứng khoán giảm sâu nhất với mức giảm gần 6%, gần cuối phiên mức giảm này được thu hẹp nhẹ. Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, có thể do thời gian qua thị trường liên tục giảm sâu cùng với lượng vay margin trên thị trường sút giảm khiến nhà đầu tư dường như mất niềm tin vào thị trường và bán tháo ngành này. Ba cổ phiếu trong dòng chứng khoán giảm sàn là AGR, APG, CTS, không cổ phiếu nào trong dòng duy trì được sắc xanh.

Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng giảm sâu tới 3,62%, chỉ còn EIB duy trì sắc xanh nhẹ (0,16%), NVB giữ giá tham chiếu còn lại 18 cổ phiếu ngân hàng trong rổ đều giảm giá. Trong đó, MBB rớt tới 6,22%, SHB rớt 6,39%, TPB rớt 6,34%. VCB tuy chỉ rớt 2,02% nhưng lại là là mã cổ phiếu góp phần lớn nhất làm VN-Index giảm hơn 3 điểm.

Ngành thủy sản với các thông tin cơ bản rất tốt gần đây cũng giảm mạnh trên 3%. Trong đó, đáng chú ý VHC giảm tới 4,22% sau khi vừa công bố kết quả kinh doanh 5 tháng rất khả thi với thông tin doanh số VHC tiếp tục tăng 96% trong tháng 5/2022 đạt 1.508 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu ngành điện đang có diễn biến khá tích cực, VSH đang tăng 1,69%, TTE tăng 2,8%, POW tăng 1,3%, GEG tăng 3,14%, DNC tăng 9,93%. VOS cũng đang ngược dòng tăng giá với mức tăng 3,2%.

Chốt phiên, VN-Index giảm 32,58 điểm xuống còn 1.208 điểm; HNX-Index giảm 6,86 điểm xuống còn 280 điểm. Toàn sàn có hơn 800 mã giảm giá, 690 mã đứng giá và hơn 130 mã tăng giá. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt trên 506 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch 10.993 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Chỉ số VN-Index đã có lúc giảm mạnh và xuyên thủng ngưỡng 1.200 điểm. Ảnh chụp màn hình

Theo nhận định của CTCK Yuanta Việt Nam, có thể phiên sáng ngày 17/6 là phiên test kỹ thuật. Thực tế, đà giảm và chỉ số VN-Index vẫn còn tiếp tục trong thời gian ngắn do chưa thể vượt được vùng kháng cự 1.260 – 1.285 điểm; đồng thời rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao, đặc biệt thanh khoản suy yếu tại các nhịp hồi cho thấy, thị trường phục hồi trong phiên ngày 16/6 chỉ vẫn là đang ở giai đoạn hồi phục kỹ thuật.

Theo đó, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Vùng hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số VN-Index là 1.210 – 1.215 điểm. Yuanta khuyến nghị, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng các nhịp hồi phục để hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp với tỷ trọng cổ phiếu ở mức 25 – 30% danh mục.

Tương tự, CTCK Agribank (Agriseco) nhận định, chỉ số có thể cần thêm 2-3 phiên để kiểm định lại các vùng hỗ trợ trước khi bật tăng trở lại, hiện áp lực bán vẫn chiếm ưu thế. Agriseco khuyến nghị với những nhà đầu tư đã mua vào trong nhịp chỉnh 2 phiên gần đây có thể hạ bớt tỷ trọng khi VN-Index tìm về vùng 1.250 điểm.

CTCK Tân Việt (TVSI) đánh giá, mốc hỗ trợ 1.200 điểm sẽ nâng đỡ chỉ số VN-Index trong ngắn hạn. Do đó, TVSI cho rằng thị trường sẽ theo hướng giao dịch trồi sụt trong thời gian tới do tâm lý nhà đầu tư cũng như diễn biến của thị trường tài chính còn dao động, nhưng cân bằng quanh vùng 1.200 điểm.

CTCK KB Việt Nam (KBSV) cũng nhận định, áp lực phân phối gia tăng quanh vùng kháng cự gần 1.250 khiến cho đà tăng tích cực của chỉ số không duy trì được đến cuối phiên. Theo đó, VN-Index sẽ quay xuống kiểm định lại vùng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 1.200 trước khi thiết lập một mặt bằng giá vững chắc hơn.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích VietstockFinance lo sợ, đà giảm của VN-Index kéo dài suốt nhiều tháng qua liệu có nguy cơ lặp lại kịch bản điều chỉnh của năm 2008. Nếu xem xét toàn bộ lịch sử biến động của VN-Index từ năm 2000 đến nay, sẽ nhận thấy chỉ số này có hai trục chính.

Trục thứ nhất là vùng 600-650 điểm. Vào cuối năm 2006, sau khi vượt qua vùng này (tương đương đỉnh cũ tháng 5/2006), VN-Index đã có cú bứt phá ngoạn mục lên gần 1.200 điểm. Đến năm 2008, sự phá vỡ vùng 600-650 điểm đã dẫn tới sự sụp đổ và điều chỉnh kéo dài sau đó của thị trường.

Trong suốt 7-8 năm sau đó, VN-Index chưa bao giờ phá vỡ được vùng kháng cự trên và luôn điều chỉnh rất mạnh mỗi lần test lại nó. Mãi đến cuối năm 2016, thị trường mới mở đầu cho một thời kỳ tăng trưởng bùng nổ mới. Trong đợt điều chỉnh kéo dài từ đầu năm 2018 đến cuối năm 2020, VN-Index đã dừng bước khi test lại vùng 600-650 điểm. Kể từ đây, chu kỳ tăng trưởng mới lại bắt đầu.

Trục thứ hai là vùng 1.150-1.200 điểm. Vùng này tương ứng với đỉnh cũ của tháng 3/2007 và tháng4/2018. Đợt lao dốc mạnh gần đây đã đẩy VN-Index liên tục test vùng giá chiến lược này.

Theo các chuyên gia phân tích này, không khó để nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của vùng 1.150-1.200 điểm. Nếu mất mốc này, VN-Index sẽ lặp lại kịch bản từng xảy ra vào năm 2008 khi chỉ số phá vỡ vùng 600-650 điểm. Mục tiêu giá (target price) trong trường hợp đó là quanh mức 900 điểm.

Hải Yên/Báo Tin tức
Chỉ số chứng khoán chủ chốt của Canada rơi xuống mức thấp nhất trong 14 tháng
Chỉ số chứng khoán chủ chốt của Canada rơi xuống mức thấp nhất trong 14 tháng

Trong phiên giao dịch ngày 16/6, chỉ số chứng khoán chủ chốt của Canada đã rơi xuống mức thấp nhất trong 14 tháng và đồng nội tệ CAD của nước này cũng suy yếu so với đồng USD, trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng các đợt tăng lãi suất quyết liệt của Ngân hàng trung ương Canada (BoC) sẽ châm ngòi cho suy thoái bùng phát, ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN