Chỉ trong 1 tuần, ngân hàng đã cho vay thêm khoảng 61 nghìn tỷ đồng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng đang ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong những ngày cuối tháng 11/2021. Chỉ trong 1 tuần cuối tháng 11/2021, các ngân hàng đã cho vay thêm khoảng 61 nghìn tỷ đồng, gần tương đương với mức cấp tín dụng trong tháng 10/2021.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp được giảm lãi suất cho vay để hồi phục kinh doanh. Ảnh: TTXVN.

Tính đến cuối tháng 11/2021, tín dụng đạt 10,18 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2020. Theo bộ phận nghiên cứu của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.

TS Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, NHNN đã liên tiếp 3 lần giảm các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm), sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay. Song song với đó, NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.

Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này được duy trì năm 2021 với mức giảm thêm khoảng 0,77%/năm. Bên cạnh đó, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,94 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,81 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 11/2021, tổng số tiền lãi các TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 32.600 tỷ đồng. Các TCTD cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 11/2021 đạt trên 7,1 triệu tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu khách hàng.

Mặt bằng lãi suất trên thị trường không có nhiều biến động trong tuần qua. Theo SSI Research, lãi suất huy động dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9 - 11% đối với khoản vay trên 12 tháng.

“Chúng tôi duy trì quan điểm tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 13% và phù hợp với động thái nâng trần tín dụng tại một số ngân hàng thương mại gần đây từ Ngân hàng Nhà nước”, chuyên gia SSI Research cho biết.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tín dụng đang tăng trưởng tích cực và hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu 12% NHNN đặt ra cho năm nay. “Thời gian tới, để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế, NHNN sẽ điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết. 

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) có chính sách ưu tiên, hỗ trợ và tập trung tín dụng nhằm góp phần khôi phục kinh tế; cam kết giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đẩy mạnh triển khai cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực giá cả hàng hóa thế giới, nguyên liệu đầu vào gia tăng, việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức để vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD. Đai dịch kéo dài khiến khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ trong thời gian dài có thể khiến các khoản nợ này tiềm ẩn trở thành nợ xấu trong tương lai, gây áp lực về rủi ro tín dụng cho các TCTD. 

Vì vậy theo NHNN, bên cạnh các giải pháp, công cụ điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của ngành Ngân hàng, cần đẩy mạnh, phát huy hơn nữa công cụ chính sách tài khóa, hỗ trợ tài chính từ nguồn ngân sách, các chính sách phát triển ngành; sớm hoàn thiện và triển khai đồng bộ các giải pháp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Phương/Báo Tin tức
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Tăng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng hợp pháp
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Tăng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng hợp pháp

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, để bảo vệ quyền lợi của người dân cũng như các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo gửi các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN