Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với tổng thu nhập hoạt động tăng 27,74% so với cùng kỳ 2020, đạt 6.233 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế bán niên của ngân hàng đạt hơn 3.007 tỷ đồng, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 54% kế hoạch cả năm.
Đáng chú ý, kết quả kinh doanh 6 tháng của ngân hàng này cho thấy, nhiều chỉ tiêu quan trọng hầu như đã gần về đích cả năm. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 242.000 tỷ đồng, gần đạt mục tiêu 250.000 tỷ đồng cho cả năm. Tổng huy động vốn cũng tương đương 98,3% kế hoạch năm, đạt hơn 217.000 tỷ đồng, tăng 17,46% so với cuối năm 2020. Tăng trưởng tín dụng của TPBank cũng gần chạm mức trần được Ngân hàng Nhà nước cho phép, đạt khoảng 11% trong nửa đầu năm.
Trước đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cũng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với nhiều chuyển biến tích cực. Vietinbank ước tính lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đạt khoảng 13.000 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, so với chỉ tiêu lợi nhuận 16.800 tỷ đồng của cả năm, Vietinbank đã hoàn thành hơn 3/4 kế hoạch, dù mới đi qua nửa chặng đường. Các chỉ tiêu kinh doanh khác ngân hàng cũng đạt kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm.
Không chỉ riêng 2 ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác cũng được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II/2021 và cả 6 tháng đầu năm nay. Trong một báo cáo phát hành ngày 5/7, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI ước tính hầu hết các ngân hàng trong danh sách theo dõi của công ty này đều có lãi lớn trong quý II/2021.
Đứng đầu danh sách này là Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB). Theo đánh giá của SSI, ước tính lợi nhuận trước thuế quý II/2021 của MSB đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, tăng 187% so với cùng kỳ năm trước
Theo SSI, tăng trưởng của MSB được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ 10,5% so với đầu năm, cũng như biên lãi ròng (NIM) được cải thiện do lãi suất huy động thấp và nguồn tiền bổ sung từ phí trả trước của thỏa thuận Bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) độc quyền được ký kết gần đây với Prudential. Thu nhập quý II/2021 bao gồm khoảng 500 tỷ đồng phí trả trước Bancassurance từ Prudential.
Đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), SSI ước tính lợi nhuận trước thuế quý II/2021 tăng trưởng 58% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng tăng đến 19 - 20% và NIM nới rộng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, hoạt động Bancassurance của ACB vẫn phát triển mạnh, với mức phí bảo hiểm tương đương hàng năm thuộc top 3 trên thị trường.
Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPB); Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (TCB); Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDB)… cũng được SSI dự báo sẽ có lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý II/2021 cũng như 6 tháng đầu năm.
Trong một báo cáo phát hành gần đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng trong quý II/2021 và các quý tới sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ biên lãi ròng (NIM) được cải thiện; tăng trưởng tín dụng cao trong khi chi phí huy động vốn vẫn ở mức thấp.
Theo Yuanta Việt Nam, tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự kiến ở mức 12-13%, do vậy các ngân hàng có vốn mạnh sẽ được tăng trưởng tín dụng cao. Trong khi đó, NIM cải thiện nhờ chi phí vốn rẻ và tiền gửi không kỳ hạn (CASA) các ngân hàng có xu hướng tăng.
Mặt khác, thu nhập phí của các ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt nhờ Bancassurance tiếp tục tăng trưởng và các ngân hàng sẽ tiếp tục ghi nhận phí trả trước, đặc biệt khả năng một số ngân hàng sẽ tái đàm phán khoản phí trả trước. Chi phí trích lập dự phòng của các ngân hàng sẽ thấp hơn so với năm 2020, nhưng còn tùy thuộc vào tỷ lệ nợ xấu thực tế của các ngân hàng.
Trước đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định, ngành ngân hàng sẽ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm nay, với mức tăng dự báo là 27%, bất chấp dịch COVID-19 bùng phát.