Đơn cử như cổ đông Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã chứng khoán: TPB) đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng trái phiếu doanh nghiệp, số dư trái phiếu Novaland mà ngân hàng đang sở hữu cũng như khoản cấp tín dụng cho dự án The Grand Manhattan của doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank khẳng định, TPBank không sở hữu trái phiếu nào của Novaland, còn danh mục trái phiếu đầu tư của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (ORS) thì thuộc phạm vi của ORS, không phải của ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp tại TPBank chỉ chiếm khoảng 10% tổng dư nợ, đều có tài sản đảm bảo và được quản lý nghiêm ngặt như các khoản vay nên không có vấn đề xấu xảy ra.
Đối với dự án The Grand Manhattan của Novaland, ông Nguyễn Hưng cho biết, đây là một trong 7 dự án được UBND Tp. Hồ Chí Minh ưu tiên tháo gỡ pháp lý, chuẩn bị hoàn thành phần cất nóc để tiếp tục triển khai kinh doanh. Trong trường hợp giá có giảm xuống mức tối đa thì dự án này vẫn thừa khả năng trả nợ cho ngân hàng, kể cả phần cũ lẫn phần tài trợ thêm vốn lưu động nhằm hoàn thiện tiếp công trình. Phần phải thu của những khách hàng mua nhà từ trước đến nay vẫn còn lượng tiền rất lớn để trả nợ ngân hàng.
Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB) cũng nhận được câu hỏi của cổ đông liệu có sự "ưu ái" nào dành cho Novaland khi dư nợ tín dụng chiếm đến 20% vốn điều lệ?.
Ông Phạm Như Ánh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành MB cho biết, đến thời điểm này tuy số liệu chi tiết không thể công bố do các quy định về bảo mật thông tin, nhưng dư nợ trái phiếu Novaland đã giảm khá nhiều so với đầu năm. Toàn bộ các dự án của Novaland được cho vay và quản lý đến từng nhà thầu và khách hàng cá nhân nên dự kiến không phát sinh nợ xấu với các khoản vay của doanh nghiệp này trong năm 2023.
Đề cập thêm về vấn đề này, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB cho hay, MB kiểm soát cho vay kinh doanh bất động sản, các dự án bất động sản đều có đầy đủ tài sản đảm bảo, có dòng tiền và không ưu tiên đặc biệt gì đối với Novaland.
"Ngân hàng cũng không cho vay dồn vào một dự án của Novaland mà chia nhỏ ra nhiều dự án, nhưng tổng quy mô cho vay và trái phiếu tại Novaland của MB đang đứng vị trí thứ 4 hoặc 5 trong số các tổ chức cho vay. MB kiểm soát tỷ trọng cho vay bất động sản trong phạm vi cho phép, khoảng 8% tổng dư nợ tín dụng", lãnh đạo MB nói.
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB), Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cũng khẳng định, không có sức ép về chuyển nợ xấu đối với trái phiếu của Novaland, dù thừa nhận hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này thời gian qua gặp khó khăn.
Theo đó, Novaland là một trong số 44 dự án mà VPBank tài trợ, nhưng dư nợ cho vay và trái phiếu Novaland tại VPBank chỉ chiếm dưới 1% tổng dư nợ ngân hàng và có tài sản đảm bảo. Dòng tiền cho vay khách hàng cá nhân mua dự án của doanh nghiệp này vẫn đáp ứng nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.
"Song, việc cấu trúc lại nợ cho Novaland là yêu cầu cấp thiết. VPBank đang phối hợp với các bên liên quan để tìm ra giải pháp, có thể là chuyển nhượng dự án, đóng dần một số khoản nợ với doanh nghiệp này", ông Vinh nhấn mạnh.
Thông tin về dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, 100% trái phiếu của VPBank đều có tài sản bảo đảm. Ngân hàng cũng đồng thời là người quản lý tài sản đảm bảo nên có đủ điều kiện để đưa ra phương án xử lý tài sản nếu các trái phiếu này gặp vấn đề phát sinh, không trả nợ được.
VPBank hiện đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 5.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022. Dự kiến tiếp tục giảm xuống còn 20.000 tỷ đồng vào tháng 6 tới đây và đến hết năm 2023 giảm được 50% giá trị trái phiếu. Trong số trái phiếu doanh nghiệp VPBank nắm giữ, có gần 60% trái phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản với hơn 40 dự án, nhưng không nhà đầu tư nào chiếm quá 1% tổng dư nợ của ngân hàng.
Thời gian qua, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, các dự án bất động sản vướng mắc thủ tục pháp lý... đã khiến "ông lớn" ngành bất động sản Novaland phải xin "khất nợ" lô trái phiếu trị giá cả nghìn tỷ đồng với lý do chưa thu xếp được nguồn tiền. Một số công ty con có liên quan đến Novaland cũng thông báo chậm trả lãi các lô trái phiếu đã phát hành.
Mới đây ngày 15/4, Hội đồng quản trị Novaland ra quyết định thông qua việc sử dụng tài sản của công ty để đảm bảo cho các nghĩa vụ phát sinh liên quan đến các gói trái phiếu của Novaland và các công ty con phát hành.
Tài sản đảm bảo là quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng hợp tác phát triển dự án số 01/2016/HĐHTPTDA/SCID-NVLG ngày 30/12/2016 được ký kết giữa Novaland và CTCP Đầu tư Phát triển Sài Gòn CO.OP. 4 lô trái phiếu được bổ sung tài sản đảm bảo với tổng giá trị phát hành là 4.150 tỷ đồng. Giá trị đang lưu hành còn lại 3.000 tỷ đồng. Bên được đảm bảo là Novaland và các công ty con là Công ty cổ phần Kinh doanh Bất động sản Thái Bình, Công ty cổ phần Nova Final Solution và Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Unity.
Trước đó hồi cuối tháng 3, Novaland từng thông báo về việc được chấp thuận gia hạn thanh toán gốc đối với 3 lô trái phiếu mã NVLH2123010, NVLH2124002 và NVLH2224006.
Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 ghi nhận tổng tài sản Novaland đạt hơn 258.000 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cuối năm 2021 chủ yếu nhờ việc tồn kho và phải thu ngắn hạn. Nợ phải trả tăng 32%; trong đó nợ vay ở mức gần 65.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 6%.
Tổng doanh thu hợp nhất (doanh thu từ bán hàng và thu phí cung cấp dịch vụ) của Novaland đạt gần 11.151 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đạt hơn 30% mục tiêu đề ra trước đó. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 2.180 tỷ đồng, giảm 36,85% so với cùng kỳ và tương đương hơn 33% mục tiêu đề ra.
Giá cổ phiếu NVL hồi cuối năm 2022 đã giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp, chỉ còn hơn 13.000 đồng/cổ phiếu, mất tới hơn 80% giá trị so với thời điểm đầu năm. Trên thị trường hiện tại, giá cổ phiếu NVL đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/4 ở mức 13.950 đồng/cổ phiếu, giảm 4,12% trong vòng 1 tuần qua.