Trăn trở nạn bạo hành nhân viên y tế: Không để các y bác sĩ đơn độc

Các vụ hành hung nhân viên y tế gần đây liên tục diễn ra khiến những người thầy thuốc phải làm việc trong sự bất an. Ngay trong lúc làm nhiệm vụ cứu người, các y bác sĩ còn phải đối mặt với nguy cơ bị bạo hành, họ rất cần được bảo vệ, cần môi trường làm việc an toàn.

Bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa, Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh Thái Bình bị hành hung đến gẫy mũi, sưng nề mặt phải cấp cứu. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Nguy hiểm luôn rình rập


Mới đây, vụ hành hung bác sĩ rất nghiêm trọng đã diễn ra tại bệnh viện Sản nhi Yên Bái khiến dư luận quan tâm. Hai bác sĩ Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung của Bệnh viện Sản nhi Yên Bái sau khi phẫu thuật lấy thai cho bệnh nhân xong, vừa ra khỏi phòng mổ đã bị chồng và người nhà sản phụ lao vào đánh dẫn đến bị chấn thương nghiêm trọng. 


Trước đó, sau khi người nhà đưa sản phụ Q.P.T (25 tuổi, ở Lào Cai) vào bệnh viện Sản nhi Yên Bái, các bác sĩ đã chỉ định mổ lấy thai cho bệnh nhân. Trong lúc các bác sĩ đang thực hiện ca phẫu thuật, chồng sản phụ đã trèo lên cửa sổ nhà mổ để quay phim, chụp ảnh. Khi bị nhắc xuống, người chồng đã chửi bới, dọa nạt các nhân viên y tế. Đợi ca phẫu thuật xong, chồng sản phụ đã gọi thêm 15 đối tượng khác đến dùng đèn pin đập vào đầu, hành hung kíp trực, khiến hai bác sĩ phải nhập viện điều trị, có người phải khâu đến 20 mũi vì chấn thương.


Cách đây không lâu, ngày 25/12/2017 cũng vừa vừa xảy ra vụ bác sĩ bị đánh gãy mũi khi đang cấp cứu ngoại viện. Sau khi nhận được thông tin một vụ tai nạn giao thông xã Đông Tân (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh Thái Bình đã phân công bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa đến hiện trường cấp cứu bệnh nhân. Tuy nhiên, khi đang cấp cứu nạn nhân thì bác sĩ Nghĩa bất ngờ bị người nhà bệnh nhân lao vào hành hung, đấm liên tiếp vào mặt khiến mặt bị sưng nề, xương mũi bị gãy, xước giác mạc... Dù bị đánh, nhưng bác sĩ Nghĩa vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm vì người bệnh, tập trung thực hiện các trình tự cấp cứu bệnh nhân, chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Đa khoa tỉnh an toàn. Sau đó bác sĩ mới trở về Trung tâm 115, nhờ đồng nghiệp chăm sóc vết thương và nhập viện.


Hay cũng mới đây dư luận từng bức xúc sự việc bác sĩ Trần Thanh Sơn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cuba (Đồng Hới, Quảng Bình) đang cấp cứu cho bệnh nhân thì bị người nhà bệnh nhân xông vào đánh đến bất tỉnh, chảy máu vùng mặt phải cấp cứu.


Trên đây là những vụ việc nghiêm trọng nhưng mới chỉ là số ít trong số những sự việc hành hung bác sĩ xảy ra liên tiếp thời gian gần đây. Đặc biệt, trong năm 2017 vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế. Không chỉ thầy thuốc làm việc tại các bệnh viện, các trung tâm y tế lớn, mà các thầy thuốc làm việc tại trạm y tế xã, hay các đơn vị cấp cứu 115 cũng bị hành hung, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cũng như tinh thần làm việc của nhân viên y tế.


Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế: Chỉ riêng trong năm 2017, cả nước đã xảy ra 25 vụ hành hung trong bệnh viện đã được cơ quan công an vào cuộc. Đặc biệt tính chất, hành vi của các đối tượng ngày càng manh động, thậm chí các đối tượng còn đạp phá máy móc, cơ sở vật chất của bệnh viện.


Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế): Đáng lẽ khi chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao, thái độ ứng xử của y bác sĩ cũng được chấn chỉnh, được nhân dân đánh giá cao thời gian qua thì những vụ việc xô xát với cán bộ y tế phải giảm đi; nhưng thực tế lại tăng một cách đáng báo động với tính chất, mức độ nguy hiểm hơn. Và dù bệnh viện nào cũng có camera theo dõi, có bảo vệ, an ninh nhưng hiện tượng đánh đập bác sĩ vẫn diễn ra đáng lo ngại. Có thể nói nguyên nhân sâu xa của sự gia tăng các vụ bạo hành nhân viên y tế thời gian qua là sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Những kẻ bạo hành không chỉ là những đối tượng “đầu gấu” mà có cả những người có học thức, địa vị trong xã hội như: Doanh nhân, lãnh đạo phường…


Mặc dù sau mỗi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã kịp thời kêu gọi cơ quan công an cùng các địa phương kịp thời can thiệp khi xảy ra các vụ việc nhưng những vụ hành hung vẫn đang có có xu hướng gia tăng. Việc bảo vệ cho các y, bác sĩ cũng chưa đi đến đâu khi hình thức xử phạt các kẻ bạo hành cũng chưa đủ sức răn đe và mới chỉ cầu cứu được công an vào cuộc khi “việc đã rồi”. Chính tư lệnh ngành y tế cũng phải thừa nhận ngành y đang đơn độc trong việc chống nạn bạo hành nhân viên y tế.


Bảo vệ bác sĩ là bảo vệ mình


Bệnh viện là nơi mỗi ngày các y, bác sĩ phải chiến đấu, giành giật với tử thần để cứu lấy sinh mạng, mang lại sức khỏe cho người bệnh, vì thế không thể để bạo lực tồn tại ở nơi này.


Việc xảy ra các vụ bạo hành nhân viên y tế không chỉ làm mất trật tự an ninh tại bệnh viện mà việc làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý bác sĩ cũng làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận và điều trị người bệnh. Đặc biệt nếu bạo hành xảy ra trong trường hợp các y, bác sĩ đang cấp cứu bệnh nhân thì hậu quả thật khó lường, có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng người bệnh.


Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng Hội y học Việt Nam: Hầu hết các cán bộ đều hiền lành, nhẫn nhịn và chịu thiệt khi bị bạo hành. Tuy nhiên, chính sự nhẫn nhịn đó là điều kiện để các hành động bạo hành tiếp tục tái diễn và cơ quan thực thi pháp luật nương vào đó để xử lý xuê xoa. Yêu cầu bức thiết nhất đặt ra hiện nay là pháp luật phải nghiêm minh, phải xử lý triệt để đối với các hành vi bạo hành cán bộ y tế. Tổng hội Y học Việt Nam cũng đã gửi kiến nghị lên Quốc hội cần chỉ đạo xây dựng ban hành Luật phòng chống bạo hành nhân viên y tế.


Theo các chuyên gia, hiện nay việc xử lý một số các vụ bạo hành y tế ở nước ta chẳng khác gì những cuộc đôi co ngoài đường, nếu bác sĩ bị đánh đập với tổn thương sức khỏe dưới 11% thì hai bên giải quyết dân sự. Điều đó khác hẳn với các nước văn minh, họ coi bác sĩ là tài sản quốc gia bất khả xâm phạm, nên pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm bác sĩ, từ lời nói cho đến đánh đập bác sĩ chắc chắn sẽ bị truy tố.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Thời gian qua, Bộ Y tế ghi nhận sự vào cuộc tích cực của chính quyền và cơ quan chức năng ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thái Bình… đã nhanh chóng bắt giữ những kẻ hành hung thầy thuốc và xử lý nghiêm theo pháp luật. Bộ Y tế cũng đã kiến nghị xem xét, điều chỉnh các quy định luật pháp để những hành vi hành hung thầy thuốc phải được xử lý như những hành vi chống đối người thi hành công vụ. Chính quyền các cấp cũng cần tăng cường các biện pháp giáo dục người dân, chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực”.


Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để hạn chế các vụ bạo hành y tế, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiến hành nhiều giải pháp như: Bổ sung vào Luật Khám, chữa bệnh nội dung về trách nhiệm của người bệnh, người dân đối với dịch vụ khám, chữa bệnh; bổ sung Luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là các biện pháp tăng cường lực lượng, trang thiết bị để bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tăng cường kỹ năng giao tiếp, ứng xử bằng việc tập huấn thường xuyên cho cán bộ y tế để nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh tại các cơ sở y tế để làm hài lòng người bệnh.


Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Bộ Y tế đề nghị Công an tỉnh Yên Bái điều tra, xử lý nghiêm vụ hành hung bác sĩ
Bộ Y tế đề nghị Công an tỉnh Yên Bái điều tra, xử lý nghiêm vụ hành hung bác sĩ

Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Yên Bái, Công an tỉnh Yên Bái vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm đối với sự việc hành hung bác sĩ tại bệnh viện Sản nhi tỉnh Yên Bái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN