Tôi là người có máu mê kiểng nên thường hay la cà ở các vườn kiểng của thầy Phong và ông Năm Phát để học hỏi và trao đổi về nghệ thuật cây cảnh. Có những hôm hai ông già này kéo tôi ra sân giới thiệu từng cây và giải thích: Cây này thế trực biểu hiện lòng ngay thẳng; cây kia dáng huyền diễn tả sự cheo neo; còn cây trồng trên hòn giả sơn thì xiêu vẹo, chơi vơi...
Chẳng bao lâu tôi với hai người đã trở thành bạn vong niên. Sáng nào chúng tôi cũng rủ nhau tập dưỡng sinh dọc theo công viên Ninh Kiều. Trong số các người già mà tôi quen thân, có lẽ ông Năm Phát là người hào phóng và lịch lãm nhất.
* * *
Thầy Phong và ông Năm Phát xưa kia là bạn học cùng trường. Sau hiệp định Gơ- ne- vơ, ông Năm Phát tập kết ra Bắc còn thầy Phong lên Sài Gòn học Đại học Sư phạm và ra trường dạy học cho tới năm 1992 thì xin nghỉ hưu. Những lúc buồn, thầy hay tâm sự với tôi:
- Bạn già cho tới nay cũng còn nhiều người nhưng phần đông là công chức làm việc dưới chế độ cũ, chỉ có vài ba người đi tập kết về giữ những chức vụ quan trọng, chẳng hạn như ông Năm Phát. Thật tình mà nói, ông Năm tuy dân tập kết nhưng là người tính tình cởi mở, không có định kiến hẹp hòi nên tôi rất khoái ổng. Nhưng không biết sao tới giờ này tôi vẫn còn mang mặc cảm mình từng đi làm dưới chế độ ngụy nên ngại giao lưu, gần gũi với những người có chức phận như ông ấy.
Vợ mất sớm nên thầy Phong phải vừa dạy học vừa chạy xe ôm để có tiền nuôi con ăn học. Hiện nay cả ba đứa con của thầy đều là giáo viên. Lẽ ra thầy có quyền mãn nguyện và an dưỡng tuổi già nhưng thầy lại yêu thích thiên nhiên và cây cảnh nên suốt ngày săm soi, vừa chơi vừa bán để có đồng ra đồng vào. Tụi trẻ nhiều lần đề nghị rước về một bà dì ghẻ cho vui nhà vui cửa nhưng lần nào thầy cũng từ chối .
* * *
Ông Năm Phát đã nhiều lần mời thầy vào Hội Người cao tuổi và Câu lạc bộ dưỡng sinh để có dịp gần gũi anh em cho tuổi già đỡ hiu quạnh nhưng thầy luôn tìm cách từ chối khéo với lý do tuổi già sức yếu nhưng kỳ thực thầy không muốn tham gia vì mặc cảm mình là người từng làm công ăn lương của chế độ cũ, không được hưởng chế độ chính sách gì cả nên khi gia nhập vào các hội đoàn tự nhiên thầy sẽ trở thành người lạc lõng.
Tuy mỗi người một chí hướng nhưng ông Năm Phát lúc nào cũng coi thầy Phong là người bạn tốt, người nhân cách cao thượng. Hai người lại có cùng chung một sở thích nên tiệc tùng nào họ cũng ngồi gần bên nhau. Gia đình có chuyện gì vui buồn ông Năm Phát cũng đem ra tâm sự, thậm chí những chuyện thầm kín riêng tư ông cũng không hề giấu giếm.
* * *
Hòa bình chẳng được bao lâu thì bà Năm Phát qua đời. Tiếp theo, hai đứa con cũng lần lượt có gia đình và ra ở riêng khiến ông cảm thấy càng lúc càng cô đơn. Trong thời gian này, Câu lạc bộ dưỡng sinh do ông làm Chủ nhiệm vừa kết nạp thêm một bà góa phụ tên Yến, tuổi xấp xỉ năm mươi, tính tình cởi mở và trông còn mướt da mướt tóc. Nhiều người thấy vậy thường hay chọc ghẹo và “cáp đôi”bà Yến với ông. Ngày qua ngày, chuyện ông Năm, bà Yến đã trở thành “thời sự nóng “ trong các buổi tập dưỡng sinh. Chính hai người cũng không có phản ứng gì. Trong thâm tâm, tuy bà Yến đã phải lòng ông Năm nhưng bề ngoài vẫn còn dè dặt giữ gìn ngôn phong, ngôn hạnh, sợ người đời dị nghị.
Ông Năm không những say mê cây kiểng mà còn ham thích các hoạt động xã hội nên suốt ngày ông bận rộn với công việc tiếp khách và hội họp. Thế nhưng, có ai biết được trong lòng ông vẫn còn một khoảng trống mênh mông, vô tận. Đó là khoảng trống tâm hồn mà bất cứ một người đàn ông nào “mồ côi vợ “cũng đều hụt hẫng... Cho nên ông cha ta mới nói: “Tuổi già mà còn được người bạn đời thì quý hóa biết chừng nào!”.
Chuyện đó ông đâu dám nói với ai, chỉ thổ lộ riêng với thầy Phong để tìm một giải đáp.
Thầy Phong góp ý:
- Chuyện cưới bà Yến hay không hoàn toàn tùy thuộc vào tình cảm, và ước muốn của ông, đạo đức luân lý ngày nay đâu có ngăn cấm người già lấy nhau. Vả lại, mình già rồi, nửa đêm nửa hôm rủi khi trái gió trở trời mà có người bạn đời cạo gió hay nấu cho nồi xông thì hạnh phúc biết mấy! Ông bà mình đã chẳng nói “Con nuôi cha không bằng bà chăm ông “hay sao? Nhưng, theo tôi tốt nhứt là nên hỏi ý kiến các con.
Ông Năm Phát buồn bã lên tiếng:
- Chuyện này đem bàn với chúng, tôi ái ngại lắm ông à! Nếu nói ra cũng chưa chắc tụi nó đồng ý.
Nhưng rồi chuyện phải đến đã đến. Hôm rước bà Năm về nhà có đông đủ bạn bè, có lẽ tôi là người trẻ tuổi nhứt, hăm hở nhứt. Mấy người con của ông Năm đều có mặt nhưng đứa nào cũng tỏ vẻ lạnh lùng. Thái độ hững hờ, ghẻ lạnh của con gái và con dâu khiến tôi linh cảm sóng gió có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Mấy tuần đầu ông Năm đi đâu cũng có bà Năm theo cùng nhưng sau đó, người ta không còn thấy ông trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, ngay cả việc tập dưỡng sinh cũng vắng mặt. Thấy vậy, tôi và thầy Phong rủ nhau đến thăm mới biết ông đã nằm bệnh viện mấy hôm rồi.
Trong căn phòng dành riêng cho cán bộ, ông nằm quay mặt ra ngoài, gương mặt phờ phạc, vầng trán nhăn nheo trông thật tiều tụy thảm thương, thầy Phong sờ tay lên trán rồi nắm tay ông thật lâu như muốn nói điều gì đó rồi lại thôi… nhưng cuối cùng cũng lên tiếng:
- Ông hãy tịnh dưỡng, ăn nhiều một chút để lấy lại sức. Tôi biết mấy tuần nay ông đã tiêu hao năng lượng nhiều. Nhưng ông hãy yên tâm, nay mai sẽ khỏi thôi. Bạn già chúng mình chỉ còn lại mấy người giống như những ngọn đèn dầu sắp lụn, cuốn lịch đời của mình mỗi ngày một mỏng dần. Hãy cố gắng mà gìn giữ lấy như giữ màu xanh của những chiếc lá còn lại trên cành. Nghe thế, ông Năm cảm thấy lòng ấm lại, không ngờ đến từng tuổi này ông mới ngộ được “Đau thương thân, lành tiếc của”.
Từ ngày ông Năm nằm viện, cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu âm ỉ. Đứa con gái của ông Năm lúc nào cũng muốn xua đuổi bà Yến ra khỏi nhà. Cứ mỗi lần gặp bà Năm, Xuân ngoe nguẩy, nguýt một cái sắc lẻm rồi bỏ đi. Còn bà Năm là một người đàn bà nền nếp, từng là cán bộ phụ nữ, lẽ nào vì chuyện này mà quay lưng, ngoảnh mặt, trước ông Năm hay quay ra dằn xé cô con gái! Tội nghiệp, lúc này bà chẳng khác nào kẻ “Đói lòng ăn trái khổ qua. Nuốt vô thì đắng nhả ra bạn cười”.
Bản thân ông Năm Phát cũng tự cảm thấy mình sai lầm vì tính độc đoán gia trưởng, không chịu bàn bạc trước với các con để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ. Tình thế đã đến lúc thầy Phong phải nhúng tay vào.thầy gặp riêng Xuân và Dũng là hai đứa con ruột của ông Năm để tìm lời phân giải đồng thời đề nghị chúng nên xin lỗi cha và dì ghẻ của chúng để làm giảm bớt sự căng thẳng gia đình lưỡng lự.
* * *
Bẵng đi một thời gian, Xuân không may bị tai nạn giao thông nên phải nằm bệnh viện hơn một tháng vì chân trái bị gãy. Bà Năm tận tâm ra chăm sóc, lo lắng cho Xuân như con ruột của mình. Bà không những lo cơm cháo mà còn quán xuyến cả việc gia đình cho Xuân. Nghĩa cử đó đã làm cho vợ chồng Xuân vô cùng cảm động và hối hận về những suy nghĩ và hành động sai trái của mình. Và chẳng bao lâu, bà Yến không những đã trở thành thần tượng của ông Năm mà còn là người mẹ kế mẫu mực đáng yêu.
Ngày tháng trôi qua, ông Năm đã cảm nhận được những gì phù phiếm đã tan theo dòng nước và những gì còn lại sẽ mãi mãi là trái tim, nhân ái và tình người .
Truyện ngắn của Hoài Phương