Cuốn sách là những câu chuyện, những suy nghĩ và cảm xúc của tác giả về gia đình, đồng đội và về cuộc chiến tranh. Những trang viết giản dị và súc tích nhưng lại cho người đọc thấy được toàn bộ sự tàn khốc của chiến tranh và tinh thần dâng hiến cho Tổ quốc của những người lính.
Vốn là một người lính đi vào mặt trận, những trang viết của ông dù thuộc thể loại nhật ký hay ghi chép nhưng lại thực sự là những áng văn được viết từ trong lửa đạn và sự hy sinh với cách hành văn giản dị, cách chọn lọc chi tiết sống động, hình ảnh mang tính biểu tượng và chứa đựng nhiều thông điệp.
Cuốn sách vừa mang tính xác thực như những tư liệu về một giai đoạn lịch sử oanh liệt của đất nước, vừa tạo nên cảm xúc và ấn tượng của một tác phẩm văn học cho người đọc.
Tác giả Phạm Quang Nghị chia sẻ, suốt những năm tháng chiến tranh, chỉ trừ những lúc hoàn cảnh thực sự không cho phép, còn hầu như mỗi ngày ông đều ghi nhật ký. Ngày ấy, ông viết không hẳn vì thói quen, không hẳn vì đức tính cần cù mà nhật ký với ông, như người bạn tâm giao. Chuyện không nói được với ai thì nói được trong nhật ký. Nhưng với nhật ký ngày ấy cũng còn những điều không nói được, có những câu chuyện riêng tư đôi khi không muốn kể cho ai nghe, nhất là những câu chuyện buồn.
Chia sẻ về cảm xúc sau khi đọc cuốn nhật ký, ghi chép “Nơi ấy là chiến trường”, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái xúc động: Cuốn sách như một bộ phim tái hiện chân thực về chiến tranh, về quê hương đất nước, về cuộc sống, về tâm trạng người chiến sĩ, người dân và các đối tượng bên kia chiến tuyến… Đặc biệt, trong những năm ở chiến trường, ngoài việc phản ánh chân thực những nơi tác giả trải qua, tác giả luôn dành tình cảm đối với người mẹ kính yêu của mình.
Cũng trong buổi ra mắt cuốn hồi ký ghi chép “Nơi ấy là chiến trường”, tác giả Phạm Quang Nghị cũng giới thiệu tập thơ “Nỗi nhớ vùng ven” của ông. Đó là những cảm nhận của một thanh niên vừa rời ghế nhà trường, vượt Trường Sơn cùng thanh niên cả nước ra trận được ghi lại bằng thơ.