Người đàn bà trên phố

1. Từ đó đến nay, dễ phải hai mươi năm có lẻ. Dạo đó tôi đang yêu. Người yêu tôi là một cô gái thon thả. Mặt trái xoan, má lúm đồng tiền, ăn nửa cái kem đã ỏn ẻn "Anh ăn hộ em với, buốt hết cả răng rồi ". Còn bây giờ người con gái e ấp đó đã là "gấu mẹ vĩ đại" ngón tay to múp, eo lưng có thể làm mẫu cho thợ Bát Tràng tạo hình chum hoặc vại, có thể ăn ba cái kem Vinamilk trong năm phút vẫn có vẻ thòm thèm. Vào một chiều trong những ngày yêu độ ấy, tôi đang gò lưng chở cô gái mảnh mai đi dạo phố, chợt sau vài tiếng loạt xoạt, chiếc xe đạp cà tàng khựng lại. 

- Sao thế anh? Giọng dịu dàng cất sau lưng tôi. 

- Lại tuột xích đây mà. Rão quá mà vẫn chưa thay được.  

Tôi đang loay hoay tìm chiếc lá bàng rơi trên hè phố để lót tay tra xích thì đằng sau tôi lại bất đồ có tiếng đàn bà lạ hoắc cất lên:
 

- Chào hai em. 



Ảnh minh họa. Ảnh: BOP

Tôi ngẩng mặt lên, thấy một người đàn bà còn trẻ, chắc chỉ hơn chúng tôi chừng bốn, năm tuổi, mặt hốc hác, có cái nốt ruồi lần sần ở phía dưới lông mày bên trái gần sát vành tai cong vênh hơi quá bình thường lộ ra bởi lối chải đầu quen vén tóc mai. Bên tay xách chiếc túi cói mở ngửa, người ngoài nhìn thấy rõ những mấy bộ quần áo nhầu nhĩ cùng mấy cái hộp dầu cù là,  hộp đựng thuốc lào ở quê của các ông thợ cày. Người yêu tôi đứng nép vào tôi, nghiêng đầu ngạc nhiên nhìn chị ta. Tôi ra dáng chủ động trước người lạ: 

- Sao, chị cần gì ạ? 

Người đàn bà mím đôi môi mỏng dính, vặn vẹo đôi tay dường như đang gặp một điều gì khó nói. Chờ một lúc chừng hơn ba phút im lặng, rồi sau một tiếng thở dài thõng thượt, chị thốt ra khó nhọc:
 

- Chả giấu gì hai em. Chị từ trong Ninh Bình ra thăm ông chú bị ốm. Khổ một nỗi đi trên tầu có bao nhiêu tiền bị kẻ cắp móc hết cả. Đến nhà ông chú thì lại chuyển địa chỉ, thành thử... 

- Nhưng mà... Cô gái mảnh mai của tôi buột miệng. 

- Không, không. Nó là thế này. Từ sáng đến giờ chị đã nói khó với người qua đường xin họ giúp đỡ. Trên đời quả thật nhiều người tốt quá. Mỗi người một ít thành ra chị cũng gần đủ tiền về quê. Còn một chút nữa thôi, hai em có thể giúp chị. 

Tôi thở phào khi hiểu ra câu chuyện. Lòng thương người cùng với cơn sĩ diện của gã con trai mới ra ràng trước mặt người yêu khiến tôi dứt khoát. Chuyển chiếc lá bàng sang bên tay trái, đầu gật gật vẻ ái ngại, tôi nói:
 

- Thôi được rồi. Chúng em cũng chẳng có nhiều, nhưng thấy chị như vậy xin biếu chị... Tôi thầm nhẩm tính số tiền buổi sáng mẹ tôi cho, rồi mạnh dạn. 

- Vâng xin biếu chị bẩy hào. 

- Ôi quí hóa quá. Thật chị không biết làm gì để cảm ơn hai em. Nhìn thấy hai em là chị biết có thể giúp được chị mà. Chị xin nhé. May quá thôi. Bây giờ chị phải ra tầu cho kịp giờ đây. Phúc đức quá. Đúng là chị ở hiền gặp lành.  

Người đàn bà vừa nói liến thoắng, vừa giật mớ tiền lẻ khỏi tay tôi, rồi bước đi thật nhanh. Người yêu tôi nhìn theo người đàn bà, cặp mắt bồ câu núi hơi nhíu lại:
 

- Thôi được rồi, xong chưa anh?
 

- Ô thôi chết. 

- Sao thế ?


- Hôm nay sinh nhật em, anh định... 

- Em biết rồi. Không sao. Đừng lo nghĩ gì nữa. Anh tốt thật đấy. 

Nhìn cái lúm đồng tiền trên má người con gái khi nói những lời khen, tôi như bay trên mây. 

2. Cuộc đời con người nói thế nhưng thật ngắn. Nhoáng một cái đã dư hai mươi năm vèo qua. Trong hơn một phần năm thế kỉ tưởng như dài dằng dặc ấy mải mê vì kiếm cơm gạo, tiền bạc nuôi hai đứa con học hành, khôn lớn, tôi như quên hẳn tiếng tích tắc của chiếc máy đo thời gian cũ rích có hình con chim vươn cổ và dòng chữ Jac trong chiếc tủ chè chùm nho con sóc mà ông nội để lại từ sau lần chạy tản cư về, may có người trong làng còn giữ hộ. Trong quãng thời gian đó tôi đã làm được cơ man nào là việc và đi không ít nơi. Những chuyện quan trọng, thăng trầm trong đời phải kể đến hàng trăm vậy thì tôi làm sao nhớ được câu chuyện về người đàn bà lỡ đường chẳng may mất cắp trên tầu dạo nào. Nó như một viên sỏi nhỏ bé trong túi sỏi dùng làm đạn súng cao su hồi nhỏ. Ấy vậy mà một buổi chiều, khi vừa hết giờ công sở ra, xe tôi đi được chừng trăm rưởi mét thì dừng lại trước một ngã tư vì tín hiệu đèn đỏ, tôi bỗng giật mình khi nhìn thấy người đàn bà đang đứng vơ vẩn bên hè đường. Có cái gì quen quen như một kỉ niệm. Vẫn chấm nốt ruồi lần sần ngay dưới lông mày bên trái. Vẫn một lối chải đầu vén hết tóc mai làm lộ ra vành tai cong vênh hơi quá mức bình thường, hiển hiện khuôn mặt người đàn bà tưởng rằng tôi chỉ gặp duy nhất một lần trên đời như tất cả mọi người xa lạ khác trôi loang loáng trong dòng đời. Tôi tin là tôi không thể nhầm với người đàn bà khác. Nhân dạng đó cùng bị cói mở ngửa như cố tình phơi cho mọi người biết trong ấy vẫn vài bộ quần áo gấp dối và mấy hộp sắt tây dầu cù là và đựng thuốc lào của mấy ông thợ cầy. Chỉ có điều chị ta giờ đây đã là một người đàn bà béo đẫy với khuôn mặt bầu bầu cố giấu bớt vẻ ma lanh và cam chịu hiện lồ lộ trên mặt và đôi mắt nhìn loang loang. Tôi cho xe lùi vào sát bên hè để tránh những xe khác đang vựợt lên. Một cặp trai gái ăn mặc theo mốt Hàn Quốc dận hai đôi giầy to tướng, quàng tay nhau đi ngang qua thì tôi lại thấy chị ta nhoẻn cười giơ tay cản hai cô cậu thanh niên lại. Cậu con trai cao dong dỏng có mái tóc nhuộm vàng khè, cau mặt:
 

- Cái gì thế ?
 

Tôi cho xe lên hè đường, làm ra bộ đang đón chờ một người nào đó để dõi theo câu chuyện. Cũng sau một tiếng thở dài, đôi môi mỏng dính mấp máy những lời có lẽ lần đầu tiên nó được nói ra cách đây hơn một phần năm thế kỉ và được phát hàng ngàn lần với vẻ khó nhọc, bi thương tồi tội của một diễn viên có thâm niên:
 

- Chả giấu gì hai cháu. Sáng nay cô từ Ninh Bình ra thăm ông chú, khổ một nỗi đi trên tầu có bao nhiêu tiền bị kẻ cắp móc hết. Đến nhà ông chú lại chuyển địa chỉ, thành thử... 

- Vớ vẩn. Chuyện ấy thì can hệ gì đến chúng tôi. Cô gái có mái tóc đỏ rực như một đám lửa trên đầu ngoác rộng đôi môi thâm xịt kéo người yêu vượt qua. Người đàn bà vẫn nhẫn nại:
 

- Không, không, nó là thế này. Từ sáng đến giờ cô đã nói khó với người qua đường xin họ giúp đỡ. Trên đời quả thật nhiều người tốt quá. Mỗi người một tí thành ra cô cũng gần đủ tiền về. Còn một chút nữa thôi, hai cháu có thể giúp cô. 

- Thôi, thôi... Bà dẹp cho tôi nhờ. Vừa ra khỏi cửa đã thế này... Rõ dở hơi. Đã bảo đi đằng kia, thì em cứ nằng nặc đi lối này.  Cậu con trai lầu bầu. 

- Biết đâu lại gặp cái bà ấm ớ này. Cứ làm như thiên hạ người ta thừa tiền ấy. Thôi kệ bà ta, đi đi. Từ đôi môi thâm xì của cô gái vọt ra một bãi nước bọt. Hai đứa gạt người đàn bà sang một bên rồi rảo bước gần như chạy. Người đàn bà hơi bĩu môi, vừa thủng thẳng làm như không có chuỵên gì, vừa lầm bầm "thanh niên bây giờ hư hỏng quá ". Tôi phóng ào xe về nhà. Người mẹ của hai đứa con tôi đang đeo cặp kính trên sống mũi buộc lòng quay lại nghe tôi cố diễn giải đến lần thứ ba mới nhận ra câu chuyện trong quá khứ. Vợ tôi bỏ kính ra cười ngả nghiêng một chặp rồi nói:
 

- Em nhớ rồi, nhớ rồi. Khuôn mặt vợ tôi ửng đỏ, xộc xệch hẳn vì vừa cố nhịn cười vừa nói. Chuỵên xẩy ra đúng vào ngày sinh nhật em, lần ấy anh mua tặng em đôi dép có quai hậu nhưng sau gặp cái chị giả vờ lên thăm ông chú bị mất cắp trên tầu chứ gì. Phải bây giờ thì em can anh rồi. Nhưng dạo đó làm thế anh lại cho rằng em bủn xỉn, tính toán. Thôi thôi. Chả dại. Hôm nay lại bị lừa nữa à. Nói một thôi một hồi, rồi không nén được vợ tôi òa ra cười sằng sặc. Tôi đỏ mặt vì ngượng và thầm nghĩ. Nếu gặp người đàn bà đó lần thứ ba thì tôi sẽ... 

3. Nghĩ vậy nhưng tôi cũng chẳng biết làm gì nếu như lần thứ ba gặp lại người đàn bà ấy. Song sự đời nhiều lúc trớ trêu. Tối hôm đó, sau bữa rượu khá ngất ngư, mà khi có chất men rồi thì con người ta tự nhiên phi thường mạnh mẽ và cũng ngớ ngẩn hẳn lên. Đã ngồi chán chê đến hơn hai giờ kèm theo những lời chúc tụng và tỏ ra quan tâm đến nhau nhưng khi chia tay, cả bọn không thiếu đứa nào lôi nhau ra ôm hôn, tạm biệt ngay trước cửa nhà hàng đến quá nửa tiếng nữa mới giã từ được. Điểm tỉnh nhỏ nhoi trong tôi khiến tôi nhìn xuống đồng hồ. Chà, đã quá mười giờ đêm. Tôi vừa đặt tay vào nút khởi động của xe, thì cậu bạn hơn mười năm mới gặp lại ngồi trên yên xe vẫy tôi lại gần. Giọng cậu ta khẩn khoản vẻ bi thương của con người đầy ắp  tình thương đồng loại.  

-
Này còn tiền không? 

- Để làm gì? Uống tiếp hả. 

-
Không. Tọng vào nữa để thác à. Kia kìa có một chị ở tận Thái Bình lên thăm ông chú. Lúc đi tầu bị bọn ăn cắp móc sạch. 

- Đến nơi. Ông chú lại chuyển địa chỉ. Từ sáng đến giờ đã nói khó với người qua đường. Trên đời này nhiều người tốt quá. Vì thế gần đủ tiền về quê chỉ xin ông... Tôi bụm miệng thao thao một hồi 

- Sao cậu biết? Sau câu hỏi, cậu bạn tôi phá ra cười. Hiểu rồi. Hiểu rồi. Nghệ sĩ, một nghệ sĩ đường phố. Thế mà tớ cứ tưởng. Thôi, chào nhé. 

Nói xong, y nhẩy rất nhanh lên xe và phóng ào đi, tôi ngó xung quanh để nhận ra người đàn bà đó, nhưng có thể vì nghe thấy tôi nhắc lại những lời bi lụy vờ vịt của mình nên chị ta đã trèo tót lên một chiếc xe ôm. Chiếc mô kích cũ kĩ phụt khói lao đi. Chính lúc ấy chất men đã khiến tôi hành động một cách bất thường. Tôi cho xe từ từ, lặng lẽ đi theo chiếc mô kích màu đu đủ xanh. Chiếc xe chở người đàn bà ngoằn ngoèo theo các dãy phố, thỉnh thoảng để rơi đằng sau mấy tiếng cười khúc khích của người đàn bà. Mãi đến một cái phố nhỏ sau ga, chiếc mô kích mới dừng lại ngay dưới bóng xẫm cây bàng. Hai người rúc rích một chặp rồi người nào đi đường người nấy. Tôi còn thấy rõ nét mặt hể hả của tay xe ôm có cái mũi dài hơi lệch lướt qua ánh đèn khuya trắng bệch. Người đàn bà xách cái bị cói từ từ đi về phía dẫy nhà tạm nằm dài như nhà kho và giơ tay gõ cửa. Tiếng cửa kẹt mở để lộ luồng ánh sáng từ trong nhà lọt ra và lập tức bóng một người con gái tròn trặn tay xách một chiếc cặp lồng. Người đàn bà lọt vào nhưng cửa vẫn để mở. Có cái gì tò mò thôi thúc khiến tôi lẳng lặng dắt xe đến trước cửa căn nhà và giả vờ dựng xe chữa. Khi cúi xuống, tôi ghé mắt nhìn vào. Đó là một căn nhà trống tuyềnh đúng kiểu nhà người nghèo Hà Nội vào những năm 80, với chiếc giường đôi đã buông lá màn ngả màu, có một miếng vá gần cửa. Một bộ bàn ghế gỗ tạp trên trơ khấc một chiếc ca uống nước của bộ đội bên cạnh lọ hoa làm bằng vỏ bom bi cắm mấy bông hoa nhựa ám khói cùng sách và mấy cuốn vở khổ to. Trên tường là một cái bàn thờ bé nhỏ có dán bức tranh bờ hồ vẽ hoa quả. Người con gái xách cặp lồng đi về. Cô bé ý tứ nhìn tôi đang lúi húi rồi khép cửa lại. Người đàn bà đã mặc bộ đồ ở nhà, xách cái bị cói ra ngồi trước bàn, nói gióng:
 

- Cứ để đấy cho mát, tao đã ngủ được đâu. Mà vẫn mua phở nhừ đấy chứ. Lấy bát ra xẻ bớt đi mà ăn, chứ tao ăn sao hết.  

- Ứ ừ. Lúc nãy con ăn còn no lắm. Mẹ cố ăn hết đi. Vẫn chú Thịnh xe ôm đưa mẹ về đấy à ?Sao mẹ không... 

- Thôi đi.
 

Người mẹ gắt khẽ đoạn lôi mớ tiền từ trong cái bị cói ra, đặt lên trên bàn. Đứa con lại gần:
 

- Tí nữa đếm cũng được, mẹ ăn cho nóng đi đã.
 

- Đang ngốt chết người ra. Để nó nguội một tí càng dễ ăn. 

Nói xong người đàn bà nhấm nước bọt vào tay rồi thoăn thoắt đếm tiền. Một lúc sau bà ta hỉ hả. Hôm nay thế mà may, được những trăm hai. Nếu không có cái thằng cha ấy thì có khi bét ra cũng trăm rưởi. Hôm qua chín ba nghìn, hôm nay vị chi là hai trăm hai. Sắp đủ tiền đóng học kì chưa ?
 

 
- Được rồi. Mẹ ăn đi đã. Cô bé dúi đũa và thìa vào tay mẹ. Người mẹ cất tiền vào túi áo, rồi cúi đầu xuống bắt đầu suỵt soạt ăn. Đứa con chăm chú nhìn mẹ. Người đàn bà ngẩng đầu lên:
 

- Mày nhìn gì mà ghê thế ?
 

- Mẹ vất vả quá. Hay là mẹ đừng làm thế nữa. Chứ cả ngày phơi mặt ở đường phố thế thì... 

- Cái gì? Mày sợ nhục, sợ mẹ mày xấu hổ chứ gì?
 

Tôi nhác thấy cô bé ý tứ ra khép cửa, tôi giả bộ dắt xe đi. Rồi khi thấy tiếng khóa bấm nhẹ, tôi dắt xe lại gần cánh cửa khép kín, làm như một người đang đợi ai, nhưng tai cố dỏng lên theo dõi câu chuyện. Trong nhà có tiếng thìa đặt vào bát. Tiếng người mẹ vừa thở vừa nói:
 

- Tao không trơ mặt thớt ra giả bộ như thế thì làm gì có tiền cho mày học hành. Không sao hết con ạ. Tao chẳng ngại gì hết. Chỉ cần con học hành đến nơi đến chốn là việc gì mẹ cũng làm được. 

- Nhưng mà con cứ thấy thế nào ấy. Như cô Lan đấy, nhà cô ấy cũng nghèo như nhà mình thế mà cô ấy dán hộp, rồi gánh nước thuê cũng sống được. 

- Đừng nghĩ dớ dẩn thế nữa. Con nên nhớ rằng, cặm cụi làm những thứ ấy đầu tắt mặt tối cả ngày cả đêm, lưng mỏi dừ vì ngồi, tay nhức buốt vì cầm kéo nhưng được bao nhiêu. Hai chục một ngày. Còn gánh nước thuê ý à ? Một đồng một gánh. Tao thì yếu rồi, còn con. Tao không muốn con tao phải ngửa ngực ra làm cái trò khốn khổ đó. Con tao phải học hành, phải thành tài, phải có công ăn việc làm nghiêm chỉnh. 

-  Nhưng chả lẽ cả đời mẹ làm như thế ?
 

-  Kìa con gái. Mẹ đã làm việc này hơn hai mươi năm rồi. Từ cái hồi thằng bố mày lừa gạt tao. Tao có mang mày nhưng lão ấy lại không đám nhận vì lão ấy đã có vợ con ở quê, vì lão ấy đang chuẩn bị được đề bạt lên phó giám đốc. Thế là tao thành người chửa hoang. Dạo đó tội này to lắm. Tao bị thôi việc, tống ra khỏi xí nghiệp. Bố mày thì trơ mắt ếch ra coi như không nhìn thấy gì. Đàn ông đã hèn thì chẳng còn tiếc rẻ làm gì. Mất việc thì lấy đâu ra tiền để sống. Về quê thì càng thêm nhục cho bà, cho cậu, cho họ hàng. Mà họ cũng nghèo quá, thêm hai miệng ăn không thì kiếm đâu. Kìa không việc gì phải khóc. Ông giời chả tự nhiên giết ai bao giờ đâu. Tao phải ra đường và tao thấy thiên hạ cũng nhiều người tốt lắm.. 

-  Mẹ. 

-  Năm nay là năm thứ ba, còn năm nữa thôi, con sẽ ra trường,  con sẽ có việc làm. Con sẽ có lương, con sẽ nuôi mẹ. Lúc ấy mẹ sẽ không phải đứng đường, đứng phố cầu xin lòng tốt của thiên hạ nữa. Mẹ con ta sẽ ở với nhau. Con lấy chồng. Mẹ sẽ sống với vợ chồng con, mẹ sẽ trông cháu. Thế là tao mãn nguyện lắm rồi.  

-  Nhưng mà anh ấy... Cô bé sụt sịt nói từng tiếng đứt quãng. 

-  Kìa con. Khóc ghê thế. Nhưng mà sao. Anh nào, thằng Tuấn bạn mày ấy à?
 

-  Anh ấy đã thấy mẹ hôm qua ở phố Bà Triệu. Anh ấy... Con khổ lắm. 

-  Sao, sao? Nó nhìn thấy tao? Làm sao mà biết được. Lúc nào tao chả đội nón, nhìn trước nhìn sau để tránh gặp người quen cơ mà. 

-   Anh ấy kể hết cho con. Con khổ lắm. Nhục lắm. 

-  Tao có ăn cắp, ăn trộm gì đâu, tao chỉ... 

- Nhưng đấy là, là lừa đảo. Bây giờ cô bé mới oà khóc thành tiếng. 

-  Kìa Thúy, Thúy. Bình tĩnh đã con.  

Tiếng khóc vẫn thổn thức vang lên từng đợt.   

-  Mẹ cho là nó trông nhầm thế nào ấy chứ.     

-  Không đâu. Anh ấy biết cả chú Thịnh xe ôm của mẹ nữa. Anh ấy... Mẹ thôi. Mẹ phải thôi không có con không đi học nữa đâu.  

- Kìa Thúy, con phải đi học, phải đi.
 

Tôi căng tai ra và nhận ra trong nhà bây giờ là hai tiếng sụt sịt. 

-  Anh ấy bảo anh ấy sẽ không nói với ai cả nếu như mẹ... 

-  Ừ, ừ. Con tôi, con tôi... 

Tôi lẳng lặng trèo lên xe, lòng nặng trĩu. Từ bấy mỗi khi đi ra đường tôi đều để ý người đàn bà ấy. Nhưng lâu lắm rồi tôi không thấy tăm dạng bà ấy đâu. Bà ta y như một viên sỏi bé nhỏ đã biến mất trong dòng sông xô bồ của phố phường này. 

Phố 8/3/2002. Buổi sáng cuối trời
 

Truyện ngắn của nguyễn hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN