Ngọt lịm canh mướp rắn

Vài năm trước đây, mẹ đi ăn cỗ ở xóm trên rồi mang về mấy quả mướp rắn dài ngoằn ngoèo trông rất đáng sợ. Lúc đầu nhìn sơ qua, tôi cứ tưởng là mấy con rắn lục hôm nay lộng hành, dám bò vào nhà bếp nằm chễm chệ trên bàn ăn như thế.

Định tìm cái cây củi khô đập chúng, nhưng nghĩ lại lẽ nào rắn lục lại to thế, mà dường như chúng đang nằm bất động, không nhúc nhíc, cũng không thấy cái lưỡi 3 chia thò ra. Đang phân vân chẳng biết cái thứ gì lạ đời thì mẹ đứng sau lưng tôi tự lúc nào, lớn tiếng nói:

- Đừng đụng vào, nó cắn chạy nọc đó!

Tin lời mẹ, tôi rụt tay lại, nhưng rồi mẹ xoa dịu ngay:

- Mẹ chỉ trêu con chút thôi, chứ nó là thực vật, làm gì mà con hoang mang thế? Con trai gì mà nhát như thỏ đế vậy!

Đoạn mẹ tiến lại bàn và nắm một mớ loằng ngoằng trên tay quay mấy vọng cho tôi xem. Rồi mẹ giải thích đây là mướp rắn, hay còn gọi mướp hổ xuất xứ từ Ấn Độ. Do thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở nước ta nên khi du nhập vào nó phát triển nhanh chóng và được nhân giống rộng rãi ở khắp làng quê Việt Nam, kể cả thành thị. Mẹ còn khoe với tôi là mẹ xin được một số hạt giống, nhờ tôi trồng thử xem sao. Sao khi trao cho tôi mớ hạt giống màu đen hình bầu dục, mẹ đem mấy “con rắn” đi gọt vỏ và nấu canh với mớ rau bồ ngọt, mồng tơi mà tôi vừa hái sau nhà.

Ba đi giăng câu về, được một cá lóc khoảng ba lạng, mẹ bỏ vào nấu canh luôn cho ngọt. Buổi chiều hôm đó, tôi rất nôn nóng chờ thưởng thức canh mướp rắn xem sao. Khi cơm vừa được dọn ra, quên mời cả nhà, tôi đã vội múc thử một chén canh húp xì xụp xem mùi vị nó có ngon như mướp nhà không. Quả thực, món canh mướp rắn rất ngọt, thịt mềm, dẻo, ít xơ, thơm ngon hơn mướp nhà. Bữa cơm chiều hôm đó dù đã no bụng nhưng tôi vẫn chén cạn nồi canh mới chịu rời bàn.

Những tháng sau đó, mướp rắn ra hoa, kết quả kín cả giàn tre sau nhà. Mẹ chọn những quả đẹp, giống y như rắn thiệt đem biếu ông bà ngoài, ông bà nội, còn lại thì để ăn và dùng làm giống cho những vụ sau. Khỏi phải nói, khi nhận được những quả mướp rắn, ông bà nội suýt té ghế vì sợ. Trong khi ông bà ngoại thì chỉ hơi ngạc nhiên, vì ông bà đã nghe qua loại mướp này…

Bây giờ thì tôi không có thời gian để chăm sóc những quả mướp rắn được rồi. Đi học xa nhà, chẳng còn nệm ấm chăn êm trong tổ ấm của mình nên những lúc rảnh rỗi là phải lo làm thêm để giảm đi gánh nặng trên đôi vai cha mẹ. Mỗi lần lên thăm tôi, mẹ vẫn hay mang vài quả mướp rắn cho tôi nấu canh ăn cùng bạn bè. Thỉnh thoảng về thăm nhà, tôi hay tự tay mình chăm sóc giàn mướp rắn “đồ sộ” sau nhà, phụ mẹ thu hoạch trái để mang ra chợ bán. Những lúc như thế, ba luôn trêu tôi rằng: “Nhờ có giàn mướp này mà ba mẹ không phải sợ ăn trộm đột nhập vào nhà đấy!”.
Đặng Trung Thành
“Biên bản bão”
“Biên bản bão”

“Biên bản bão” (NXB Phụ nữ) là tập truyện ngắn thứ 10 của nữ nhà văn Phong Điệp, cho thấy khả năng sáng tác của chị thật bền bỉ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN