Ngọn đèn dầu tuổi thơ

Với tôi, mỗi khi nhìn thấy cây đèn dầu, thì một nỗi buồn mơ hồ lướt qua trong tôi. Nỗi buồn về những ngày đã qua, về một kiếp người, về những câu chuyện bên lề cuộc sống.

Ngọn đèn dầu còn là chốn đi về của lũ thiêu thân, cứ thấy ánh sáng là chúng bay vào, và chết luôn trong ngọn đèn dầu ấy. Ngày còn bé thơ, tôi cho chúng là một lũ ngốc. Cứ thấy ánh sáng là đâm đầu vào, để rồi chết hết lớp này đến lớp khác. Và lớn lên, tôi ngộ ra rằng, đôi lúc trong cuộc đời, có nhiều trường hợp dẫu biết sẽ có một kết cục đau đớn, nhưng nhiều người vẫn cứ lao vào “ngọn đèn” của sự ham muốn. Và điều đó được người đời đặt cho một cái tên là: Mù quáng.

Ngọn đèn dầu theo tôi suốt những ngày còn cắp sách đến trường. Khi màn đêm buông xuống, và khi gà bắt đầu gáy sáng, là hai thời điểm để tôi lọ mọ mang chiếc đèn dầu ra thắp sáng, vì ngày ấy chưa có điện. Dưới ánh trăng, bên góc hiên nhỏ là nơi để gia đình chúng tôi sum họp, ăn tối. Và dưới ngọn đèn dầu, là nơi mà chúng tôi ươm mầm hi vọng cho tương lai. Vất vả là thế, nhưng chúng tôi vẫn không ngừng cố gắng, để hi vọng cho một ngày mai tốt đẹp hơn.

Tôi biết sợ bóng tối, khi các anh chị thường trêu đùa bóng của tôi in trên vách, bên ngọn đèn dầu. Tôi đi đâu, làm gì cái bóng vẫn theo tôi. Tôi òa khóc, cho đến khi mẹ thổi tắt ngọn đèn dầu, để dỗ dành tôi rằng đó chỉ là một cái bóng.

Và trong đêm tối tĩnh mịch, chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả ngoài cánh đồng xa, mẹ thường kể những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện về cuộc đời để răn dạy chúng tôi. Cho đến khi sau này, ánh sáng của đèn điện xuất hiện ở khắp các thôn xóm, thay thế dần ánh sáng của đèn dầu. Máy bơm nước thay thế giếng nước đầu làng, thì tóc mẹ tôi đã lấm tấm bạc, và chúng tôi đã vào đại học.

Đèn điện xuất hiện, nhưng chiếc đèn dầu vẫn như người tình chung thủy của người dân quê tôi. Những trận mưa lũ miền Trung, mỗi gia đình thường trang bị cho mình một cây đèn dầu. Ngọn đèn leo lét chập chờn trước sự lên xuống của con nước. Mặc cho sự đe dọa của những trận lũ đến rồi đi.

Cứ mỗi khi đêm về, dưới từng mái lều tranh, những ngọn dầu dân dã, bình dị, hiền lành như bao người dân quê vẫn cứ tỏa sáng. Mỗi ngọn đèn như một vì sao nhỏ, mang đến sự ấm áp cho con người. Bên ngọn đèn dầu, mẹ vá áo, cha thức khuya canh chừng con nước lên xuống, và chúng tôi vô tư nằm ngủ từ khi nào, mặc cho những cơn gió gầm ghè chạy qua.
Ngọn đèn dầu đôi lúc đã đưa tôi vào thế giới của riêng mình. Vào khoảng thời gian xa nhà, sống trên thành phố, có những đêm thành phố cúp điện. Tôi mang ngọn đèn dầu ra thắp sáng. Trong đêm tối tĩnh mịch, dưới ánh sáng hiu hắt của ngọn đèn, tôi như sống riêng trong thế giới của mình.

Cuộc sống ngày càng hiện đại và đang đổi mới từng ngày, từng giờ. Nhưng ngọn đèn dầu, giếng nước đầu làng, mái tranh nghèo xơ xác khiến tôi không thể nào quên được. Bởi nó giản dị, đơn sơ nhưng rất đỗi thiêng liêng đối với mỗi người khi sinh ra và lớn lên bên gốc rạ. Nó như một nỗi ám ảnh về những kí ức đã qua, như nỗi ám ảnh của tôi về cái bóng của mẹ, của cha lam lũ in trên vách bên ngọn đèn dầu, mỗi khi tôi ngồi học bài ở cái ngày xa xưa ấy…

Thân Thị Thanh Trâm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN