Ai từng một thời cắp sách mà không có những mùa thi. Mùa thi, cái cân lường, cái đấu đong cho một năm - thậm chí nhiều năm - miệt mài gieo trồng, gặt hái trên cánh đồng kiến thức. Nặng hay nhẹ, đầy hay vơi, tất cả chỉ quyết định duy nhất một mùa…
Ngày xưa, tôi từng là học trò. Ngày xưa, tôi cũng có những mùa thi…
Tháng tư, phượng trên cành lấp ló búp xanh, sẵn sàng thắp lửa; mùa thi học kì đã gần kề (học kì 2 “đáng sợ” hơn học kì 1 - bởi kết quả nhân hệ số 2!). Mỗi bộ môn, thầy giáo sẽ cho một đề cương ôn thi dài chừng… 5 cây số; kèm theo lời hứa: đề thi chỉ ra trong giới hạn đề cương(!?). Quỉ thần ơi! Xem xong mới tá hỏa: cái “giới hạn” ấy chính là… chương trình cả năm tóm gọn! Hết phép, các “sĩ tử” chỉ còn mỗi một việc cắm đầu, khom lưng nín thở mà cày. Cô cậu nào trong năm lo xa, học hành tử tế còn đỡ; nếu không thì - ui da…
Ấy mới nói chuyện thi học kì; chưa kể đến chuyện thi chuyển cấp, thi tú tài, thi đại học. Hình như, đời học trò chỉ gói gọn trong 2 chuyện lớn: học và thi. Mùa thi là niềm hào hứng cho những “sĩ tử” sáng dạ, chăm ngoan; nhưng cũng là nỗi ám ảnh kinh niên cho những cô cậu học trò có mức thông thái “tầm tầm bậc trung” hoặc ham chơi, lười học. Hào hứng hay âu lo, đến ngưỡng mùa thi, tất tật, những tà áo trắng vẫn phải lao vào cuộc chạy đua nước rút sống còn. Và đến ngày - dẫu hành trang kiến thức đầy hay vơi, chín hay sống - đố ai không hồi hộp, trống ngực “đánh thùng thùng” khi bước qua cánh cửa phòng thi?
Hạnh phúc lớn nhất đời học trò không gì bằng thi đậu. Tất nhiên, nỗi đau lớn nhất cũng không có gì qua thi hỏng. Ừ, đau lắm. Đau như thi sĩ Trần Tế Xương năm xưa đã từng rên rỉ: Hỡi ơi! Đau quá đòn hằn, rát hơn lửa bỏng; tủi bút tủi nghiên, hổ lều hổ chõng…. Phải, làm sao không đau khi công bao năm đèn sách đổ cả xuống sông. Mà đâu phải chỉ công đèn sách; còn “đổ xuống sông” cả mồ hôi của cha, nước mắt của mẹ, niềm hi vọng của người thân, xã hội; và - phải chăng - cả tương lai của chính mình?
Tháng tư, mùa thi đã cận kề. Có cô cậu học trò nào còn “lãng đãng trên mây” hãy mau mau quay về thực tại. Thời gian không chờ đợi. Còn gì buồn hơn khi phải cay đắng ngâm hai câu thơ trong nỗi hối hận muộn màng:
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín
Thi không ngậm ớt thế mà cay…
Y Nguyên