Ven sông Vu Gia (Đại Lộc, Quảng Nam) quê tôi ngày ấy, ngoài trồng vài ba sào lúa ở ruộng ra, mỗi nhà còn trồng trên đất nà, đất biền vài sào đậu phụng (lạc) hay còn gọi là đậu chùm để bán tươi, phơi khô ép dầu ăn dần quanh năm và cất đi một số ít đậu khô để làm món “muối đậu” ăn vào những ngày mưa gió.
Mùa chính của đậu phụng là vụ đông xuân, được trồng từ tháng Chạp và thu hoạch khoảng tháng Ba âm lịch. Đến mùa nhổ đậu, làng quê tôi cũng rộn ràng không kém mùa gặt lúa. Từ sáng tinh mơ, khắp các con đường làng, ngõ xóm từng đoàn người mang theo lạt, đòn sóc, quang gánh... lũ lượt ra đồng để thu hoạch đậu phụng. Họ vừa đi vừa gọi nhau i ới, nói cười rộn rã. Gần trưa, những đám ruộng đậu đã được thu hoạch gần xong, người thì lấy lạt bó đậu cây gánh về, người che bồ đập đậu hoặc các phụ nữ lặt đậu ngay tại đám. Lúc bấy giờ, biết bao nhiêu câu chuyện được “hàn huyên”.
Tôi còn nhớ đến mùa nhổ đậu phụng, những ngày nghỉ học tôi thường lẽo đẽo theo cha ra biền xem nhổ đậu. Mẹ tôi nhổ thành từng nhúm một, giũ sạch đất rồi bó lại từng bó nhỏ. Cha tôi thì đi gom lại và bó thành từng bó lớn để gánh về. Còn tôi thì tranh thủ tìm hái trái lù đù ăn chua chua, ngọt ngọt. Cha tôi gánh đậu về nhà, ăn cơm tối xong, cả nhà mắc đèn ra gốc mít ngồi rứt đậu. Chị tôi tranh thủ luộc đậu tươi ăn rất thơm ngon, bùi béo.
Mùa ép dầu liền kề vào khoảng giữa mùa nhổ đậu. Ngày ấy, ở quê tôi ngay giữa làng, có cái trại ép dầu. Trong trại có 1 cái nồi hông đậu và 3 cái bộng dầu lớn bằng gỗ mù u. Mỗi cái bộng dầu dài khoảng 5 - 6 mét, đường kính khoảng 0,7 mét, trong ruột được khoét trống để chứa bánh dầu. Đậu phụng sau khi được phơi khô khan, cha tôi cho vào bao và gánh đi ép cùng với củi gốc tre, rơm và một số vật dụng lỉnh kỉnh khác như soong, thùng... Cha tôi nói rằng, thời trước chưa có máy xay đậu, trước khi nấu dầu ép, phải huy động nhiều người trong xóm đến nhà giã đậu bằng chày đạp hoặc chày gỗ, cối sen (cối gỗ).Thời chúng tôi, đậu trái được máy xay mịn, những ông thợ ép dầu cho vào nồi hông chín, múc đậu ra bằng 1 cái vá lớn đổ vào khuôn là 2 cái niền bằng tre, trong niền có lót rơm. Sau khi gói ghém đều đặn tấm bánh dầu được đưa vào ruột bộng.
Khi đủ bánh cho 1 bộng, người ta dùng những thớt gỗ vuông, dày để chêm và những cái nêm bằng gỗ khá to để đóng. Hai bác thợ lực lưỡng có da màu đồng mắt cua thay phiên nhau kẻ tới người lui, hai tay của mỗi người nắm cán một cái dồ to tướng đóng xuống nêm, miệng phát ra tiếng kêu “hừ hự”. Những tấm bánh dầu trong bộng bị ép lại, dầu phụng nóng màu vàng óng, sóng sánh như mật ong chảy ra ở lỗ dưới đáy bộng vào thùng hứng. Dầu phụng nóng vừa chảy ra thơm phức, những ông “thợ đóng” mồ hôi nhễ nhãi trên thân hình vạm vỡ màu đồng mắt cua múc dầu nóng chan vào tô bún để ăn giữa buổi. Những năm về sau, các bộng dầu đã nâng cấp quy trình sản xuất, ép dầu bằng “bộng sắt” và lực ép bằng mô tơ điện.
Người dân quê tôi, dự trữ đậu phụng để chế biến nhiều món ăn khác nhau như nắm, muối đậu phụng, làm nguyên liệu phụ cho các món trộn, gỏi, mọc, mì Quảng… Đặc biệt, là đổ kẹo đậu phụng trên bẹ chuối thì ăn quá đã. Ngoài ra, những năm hạn hán, mùa màng thất bát, gạo cơm thiếu thốn, mẹ tôi không nấu cơm trưa, chỉ rang nhả đậu, nhả bắp, sau trộn chung hai thứ lại với nhau để nhà ăn trừ bữa.
Tuổi thơ tôi đã đi qua bao mùa nhổ đậu. Tháng tư, những cơn mưa giông đầu mùa ập về, làm mặt đất trên ruộng đậu đã nhổ ẩm ướt, khoảng mươi ngày sau, những trái đậu còn sót lại dưới mặt đất bắt đầu nảy mầm nhô lên trên mặt đất. Lũ trẻ con chúng tôi đi học về, mang bao ra ruộng hái về. Mẹ tôi nhặt rễ, rửa sạch sau đó bà xào với tôm khô, tép khô, bỏ vào nồi ít đọt rau sưng. Món này tuy dân dã nhưng lạ miệng và khá thơm ngon. “Học sinh” nghèo chúng tôi tranh nhau ăn, mẹ tôi mỉm cười nói: ”Của không ngon, đông con cũng hết”. Ngoài ra, khoảng nửa tháng sau, từ đống cây đậu chất bên gốc mít bắt đầu nhú lên những chiếc nấm trắng mũm mĩm, chúng tôi hái, rửa sạch để mẹ tôi chế biến món nấm đậu xào ăn rất ngon và bổ.
Lại một mùa nhổ đậu lại trở về, cha mẹ tôi đã ra người thiên cổ, đâu còn những hình bóng lắc lư của cha tôi gánh đậu phụng đi ép trên con đường làng quanh co còn mờ mịt hơi sương hay hình ảnh của mẹ tôi vừa rứt đậu, vừa khuyên bảo anh em chúng tôi vâng lời cha mẹ, cố gắng học hành để nên người tử tế.
Ngày nay, mỗi khi về quê vào mùa nhổ đậu, thấp thoáng dáng ai đang bó đậu, rứt đậu bên đường, tôi cứ ngỡ là hình ảnh mẹ tôi ngày nào đang làm việc trên cánh đồng làng, lòng tôi bỗng rộn lên niềm bồi hồi tưởng nhớ với bao nhiêu kỷ niệm êm đềm về tháng tư - mùa nhổ đậu ở một miền quê xứ Quảng xa lắc, xa lơ.
Tiên Sa