Tháng Chạp là tháng “đi cày”
“Cày” không ra “lúa” Tết này... khỏi ăn!
Tháng chạp, Tết rồi; mau mau đi làm kiếm tiền về ăn Tết… - ấy là câu cửa miệng của người quê. Trừ thiểu số các “phú ông” nông thôn tiền dư bạc thừa không kể; còn đa phần người quê đến tháng Chạp đều phải chạy mướt mồ hôi mà “ngâm cứu” cho ra tiền. Lúa má, sắn khoai, heo cúi, gà vịt…, thứ gì có thể bớt xén đều được các “nội trợ bà” phát lệnh trưng thu, chuẩn bị lên đường tiến quân… ra chợ! Còn các “nội trợ ông”? Đơn giản thôi; chuyện đồng áng vụ đông xuân phải làm quàng cho nhanh để - trước Tết - có thời gian du phương… làm mướn! Thành tốp hoặc đi lẻ, họ lũ lượt tỏa đi khắp các ngả, các địa phương có việc làm thuê theo sự điểm chỉ, dắt dẫn của người quen - hoặc theo những mối mang công việc quen biết từ nhiều năm trước.
Nhận việc rồi là hùng hục mà cày, chạy đua nước rút với thời gian cho kịp có tiền về sắm Tết. Đã tháng Chạp thì không ai dám làm biếng; trừ phi rơi cảnh lực bất tòng tâm - ốm đau hoặc không tìm ra việc! May, tháng Chạp là mùa nở bung dịch vụ nên công việc thường nhiều hơn thường lệ. Chủ thuê cần làm chạy việc nên công xá cũng có đỡ hơn. Làm mệt; nhưng tâm thế ai cũng phấn khởi khi nghĩ đến cái viễn cảnh rủng rỉnh hầu bao về nhà nộp vợ sắm Tết. Hầu bao ấy - như cái túi thần kì - sẽ biến thành manh áo mới cho con, hộp phấn hồng cho vợ. Còn nữa; thành giò chả, rượu trà, hoa quả, bánh mứt và (có thể) thêm vài tiện nghi Tết nhất mới phát sinh thời hiện đại dành cho những hầu bao tương đối nặng như cái ti vi đời mới hoặc… dàn karaoke! Và, đương nhiên, sau bóng mát của những tiện nghi kia là viễn cảnh những ngày đầu năm gia đình tề tựu vui vẻ ấm cúng, được xả hơi thư giãn, được mặc đẹp ăn ngon và vân vân. Tất tật đều là những giấc mơ quá đã; mới nghĩ thôi đã thấy khó đỗi… cầm lòng!
…Thế nhưng, để những giấc mơ tháng Chạp đủ khả năng biến thành hiện thực tháng Giêng thì phải mau mau chí thú mà cày cuốc bằng hai bằng ba để kiếm cho ra những đồng tiền tháng Chạp. Tết rồi…
Y Nguyên