Ngày đó, tôi mới tập tành đứng bục bảng trong sự ngọng nghịu của một người thầy mới vào nghề. Đồng lương của một người giáo viên hợp đồng ở một trường tư khá “bọt bèo”. Cứ đến cuối tháng, tôi lại ngửa tay xin tiền mẹ để đổ xăng đến trường. Nhiều lúc nghe anh chị em, bạn bè và bà con chòm xóm hay đàm tiếu chuyện đi dạy của tôi với ba mẹ. Kèm theo đó là những câu chuyện buồn, những trớ trêu hiện hữu của nghề đi dạy vẫn luôn ám ảnh tôi. Nhiều lúc cũng nản và muốn từ bỏ cái nghề cao quý này.
Tôi còn nhớ và thậm chí là nhớ rất rõ cái buổi sáng “định mệnh” hôm ấy trong tiết học giáo dục công dân lớp 12. Hôm ấy, trước khi vào giờ học chính thức, tôi có đọc cho các em nghe về bài viết đầy xúc động của một em học sinh lớp 12 ở Hà Nội gây xôn xao cư dân mạng về giá trị của đồng tiền.
Tôi đang say sưa đọc thì có một em học sinh nam cuối lớp đánh tiếng lớn: “Không có tiền sao mà sống hả thầy! Toàn là trò dối trá, lố bịch”. Rồi em học sinh ấy bỗng trầm giọng: “Ừ mà không dối trá sao mà tồn tại được!”. Một em học sinh bên cạnh quay sang thì thầm với em nam sinh ấy: “Mi nói đúng đấy. Trên đời này làm gì có ai không biết quý đồng tiền cơ chứ. Mà cũng chẳng có ai thật thà hết đâu”.
Đang nói mà lại bị cắt ngang, tôi rất bực về thái độ đó của hai em học sinh. Tôi không tin trước mặt mình là sự thật. Thái độ như vậy của học sinh là không thể chấp nhận được. “Học sinh mà lại ngang nhiên cắt ngang lời thầy đang nói. Còn nữa, nói mình tào lao lại nghe vào những lời nói “ong bướm” ấy để dạy đời chúng nó” - tôi nghĩ thầm. Và hình như trong đầu tôi lúc bấy giờ chỉ đinh ninh về thái độ vô lễ của hai em học sinh này. Tôi chỉ nghĩ đến hành động là lấy sổ điểm ra cho hai em học sinh này không điểm ngay. Cầm quyển sổ điểm trên tay, định quẹt ngày vào sổ điểm nhưng không hiểu sao có một “thế lực” vô hình nào cản lại. “Người thầy không được phép nóng giật bất chợt. Sao mi không lắng nghe hết sự tình câu chuyện đã” - lương tâm tôi tự mách bảo.
Nhưng rồi tôi cũng hiểu ra là một giáo viên đứng trên bục giảng thì tôi không được phép tự cho mình là “người thầy” mà phán xuống buộc các em phải nghe, phải tuân lệnh. Tôi kiềm chế và nén lòng.
Không quát tháo hay giận dữ, tôi điềm tĩnh trong từng lời nói. Khi tôi nhìn thẳng xuống lớp và nhỏ nhẹ nói: “Em nghĩ sao mà lại nói như vậy?” thì gần 30 con mắt còn lại hướng về em học sinh này. Em đứng dậy bập bẹ: “Dạ xin lỗi thầy! Em không cố ý đâu ạ!”. Các bạn xung quanh lại quay sang dọa: “Đợt này chết mi nhé! Thầy không bỏ qua cho mi đâu! Cái tội lẻo mép”. Khuôn mặt em tái nhạt đi. Tôi lại hỏi tiếp: “Em cứ nói đi đừng sợ!”. Em vẫn không dám hé môi mà chỉ biết cúi đầu xuống bàn lặng thinh.
Tôi lặng lẽ rời bàn giáo viên xuống gần em học sinh kia và vỗ về an ủi: “Không sao đâu em à. Em cứ nói thẳng ra đi. Thầy không trách em đâu”. Như truyền cho động lực, em học sinh này bắt đầu thưa: “Thưa thầy! Không dối trá sao mà tồn tại hả thầy!”. Tôi lại gạ hỏi tiếp: “Sao em lại nói vậy?”. Em học sinh này bắt đầu kể: “Cũng bởi vì sự thẳng thắn, trung thực mà mẹ em bị “đá” ra khỏi ngành giáo dục, từ bỏ ước mơ, lủi thủi về quê cày ruộng…”. Vừa nói xong, em học sinh này òa khóc nức nở trong sự đồng cảm của bạn bè.
Dõi theo lời kể về cái “sự thật” phũ phàng ngày ấy mà mẹ em phải đối diện. Cách đây 20 năm, mẹ em tốt nghiệp đại học ngành sư phạm văn với tấm bằng loại giỏi và chập chững bước vào nghề dạy học với bao niềm tin, niềm hy vọng cháy bỏng. Ngày ấy, đồng lương từ nghề dạy học khá “khiêm tốn” đã khiến nhiều giáo viên phải bỏ nghề. Nhưng với mẹ em thì khác, niềm đam mê đã tiếp động lực cho mẹ lên lớp mỗi ngày. “Đã vào nghề thì phải chấp nhận hy sinh con ạ. Đất nước mình còn nghèo, dân trí còn thấp, mỗi người như chúng ta phải cùng chung tay xây dựng và “kiến thiết” nước nhà con à!”. Lời dạy của mẹ đến nay vẫn còn như in.
Nhưng rồi cái nghiệt ngã “bóng đen” của nghề đã “cướp” đi lòng nhiệt huyết của cô giáo trẻ (mẹ em) chỉ vì một lời nói thẳng, vì một hành động thực. Năm ấy, trường mẹ đăng ký danh hiệu thi đua với cấp trên là trong năm học này sẽ đạt 100% học sinh có học lực trung bình trở lên để sang năm sau đăng ký với Bộ để công nhận là trường THPT chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh. Để đạt được chỉ tiêu này, lãnh đạo trường đã chỉ thị cho Hội đồng sư phạm nhà trường phải tìm mọi phương cách để làm sao đạt được chỉ tiêu này kể cả việc châm chước điểm hay nâng điểm cho các em. Mẹ em cứ ngỡ rằng đó chỉ là lời nói đùa của vị hiệu trưởng.
Tổng kết cuối năm học, trong khi nhiều giáo viên khác đặt bút nâng điểm tất cả học sinh để các em được lên lớp, không thi lại thì mẹ lại dửng dưng “cứng nhắc” lấy kết quả “học thật, thi thật” để đánh giá ghi vào học bạ bất chấp lời nói của vị hiệu trưởng. Cũng năm ấy, nhà trường không đạt chỉ tiêu đề ra và bị cấp trên khiển trách nặng nề. Còn mẹ em thì đột ngột bị cắt hợp đồng dạy học, “đá” ra khỏi ngành giáo dục mà không hề được giải thích nguyên do và vĩnh viễn “chối từ” ước mơ.
Trước khi rời lớp học, em chạy ra cửa và phân trần thêm với tôi: “Thầy à! Khi lên phố huyện học, ba mẹ em luôn dặn em là sống giữa thời buổi này nếu như quá thật thà khó mà tồn tại được. Bởi vậy, em mới lỡ miệng nông nổi phát ngôn như vậy. Mong thầy tha lỗi cho em”. Tôi nhìn em chỉ biết mỉm cười trong xót xa.
….
Sau buổi học hôm ấy, tôi quyết định tìm đến nhà để gặp mẹ em học sinh này. Khi tôi vừa đến cũng đúng lúc mẹ em vừa mới đi làm đồng về, trên tay lấm lem bùn đất… Rồi tôi đi vào câu chuyện cảm động sáng nay. Mẹ em ngồi thẫn thờ, lặng im trong dòng nước mắt nghẹn ngào không cất nên lời. Dường như, qua ánh mắt của người giáo viên năm xưa (mẹ em học sinh), tôi tìm thấy một “hơi thở”, một nhiệt huyết của người trong nghề.
Gần 2 đã qua đi nhưng lời trăn trở của người mẹ em học sinh ấy tôi vẫn nhớ: “Thầy à! Tôi biết thầy còn trẻ, thầy còn có nhiều ước mơ và hoài bão lớn. Nhưng thầy ơi! Lòng yêu nghề, lòng nhiệt huyết không thể nào biến ước mơ thành hiện thực mà cần phải có niềm tin, có lương tâm của người thầy. Tôi tin rằng, đến một ngày nào đó không xa, căn bệnh thành tích, căn bệnh dối trá trong giáo dục sẽ bị đẩy lùi để nhường chỗ cho một môi trường lành mạnh, chân chính tồn tại.”
Chia tay ra tận đầu làng, mẹ em học sinh còn khắc khoải chờ mong: “Thầy à! Nhiều năm qua rồi mà bệnh thành tích, căn bệnh dối trá trong giáo dục vẫn rơi rớt vẫn còn ở đâu đó... Tôi biết làm sao ngoài việc phải dặn con phải "khôn ngoan" hơn trong đời?”…
Ngẫm lại mình tôi thấy cũng vậy thôi. Thật đáng trách. Có lẽ một lúc nào đó, tấn bi kịch của tôi cũng như người giáo viên kia nếu như xã hội này vẫn còn tồn tại căn bệnh ấy. Và cũng đã biết bao lần tự nhủ với lòng mình phải “chiến đấu”, nhưng vẫn không đủ can đảm đương đầu trước những sự thật trêu ngươi… Nhưng tôi và nhân vật câu chuyện vẫn tin rằng cuộc sống này vẫn còn ánh sáng thực để mỗi người đi dạy như chúng tôi được đeo đôi kính màu hồng gieo chữ cho trẻ thơ.
Dương Văn Út