Tổng thống Putin đã trình dự luật lên Duma Quốc gia (Hạ viện) ngày 10/5 và Hạ viện thông qua dự luật này 6 ngày sau đó. Ngày 25/5, dự luật được Hội đồng Liên bang (Thượng viện) thông qua. Nghị sĩ Grigory Karasin - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga - cho rằng biện pháp này là cần thiết để “bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia” của Nga.
CFE được ký năm 1990 và có hiệu lực 2 năm sau đó. Những thành viên tham gia ban đầu là 6 nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Vacsava - bao gồm Liên Xô và các đồng minh ở châu Âu - và 16 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hiệp ước cho phép cả hai nhóm có số lượng vũ khí và thiết bị quân sự thông thường ngang nhau, đồng thời đặt ra giới hạn về sự hiện diện của các lực lượng vũ trang.
Năm 1999, một thỏa thuận đã được ký kết về việc điều chỉnh CFE, đặt ra các giới hạn cho các nước và vùng lãnh thổ nhất định, chứ không phải các khối. Các nước thành viên NATO đã không phê chuẩn thỏa thuận này. Sau khi không thể đồng ý về các điều khoản của CFE, năm 2007, Nga đã đình chỉ việc tham gia hiệp ước. Ở phiên bản ban đầu, trong khu vực áp dụng CFE, số lượng khí tài quân sự không được vượt quá 40.000 xe tăng, 60.000 xe bọc thép, 40.000 đơn vị pháo binh, 13.600 máy bay chiến đấu và 4.000 trực thăng tấn công. Sau khi điều chỉnh, hạn ngạch mới là 6.350 xe tăng, 11.280 xe bọc thép, 6.315 hệ thống pháo, 3.416 máy bay và 855 trực thăng.
Dự luật bác bỏ CFE của Tổng thống Putin cho rằng các điều khoản của nó "phần lớn đã lỗi thời" và bản thân hiệp định “không còn phù hợp với thực tế", một phần là do sự mở rộng của NATO. Văn kiện cho rằng Mỹ và các đồng minh đang theo đuổi "đường hướng đối đầu quân sự với Nga”.