Tuy nhiên, ông chủ Kim lại lo lắng về một ngày doanh trại này sẽ đóng cửa.
Theo hãng tin AFP, ít nhất 28.000 binh sĩ Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc với nhiệm vụ bảo vệ quốc gia này trước mối đe dọa hạt nhân. Đây là một phần trong cam kết bảo đảm an ninh cho đồng minh giữa Seoul và Washington.
Đối với những người dân Hàn Quốc phụ thuộc vào quân Mỹ đóng quân tại đây để kiếm thu nhập – như ông Kim Chang-bae, viễn cảnh Mỹ rút quân quả thực đáng lo.
“Nếu không có sự hiện diện của binh lính Mỹ, rất nhiều cơ sở kinh doanh, trong đó có cả của tôi, sẽ mất đi nguồn thu nhập chính”, ông chủ Kim chia sẻ.
Doanh trại Humphreys tại thành phố Pyeongtaek là doanh trại quân đội lớn nhất của Mỹ tại nước ngoài. Diện tích doanh trại là 14,7 km2, là nơi ở cho 32.000 người – bao gồm binh sĩ và gia đình. Doanh trại này gồm một phi đội Blackhawk, trực thăng Apache, một sân chơi bowling, sân golf 18 lỗ, nhiều trường học, nhà thờ và rạp chiếu phim.
Tính đến thời điểm hiện tại, có hàng trăm nhà hàng và cửa hàng lớn nhỏ, từ tiệm làm móng tới xăm mình mọc lên san sát quanh khu doanh trại.
“Việc họ có thể rời khỏi đất nước khiến tôi lo lắng”, ông Choi Eun-hee đang làm chủ một nhà hàng Thổ Nhĩ Kỳ ở ngay sát doanh trại Humphreys bày tỏ. Ít nhất 80% khách đến quán ông là binh sĩ Mỹ.
Ông Choi, 43 tuổi, là một trong hàng chục người tham gia tuần hành tháng trước yêu cầu binh sĩ Mỹ ở lại. Trong khi đó, một ông chủ khác có tên họ Kim, 57 tuổi, lãnh đạo hiệp hội thương nhân địa phương đại diện cho 230 chủ cơ sở kinh doanh, cho biết người Mỹ trong bộ quân phục đã trở thành “nét đặc trưng của thành phố”.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố vào tháng 1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tìm cách giải đáp mọi lo lắng, khẳng định vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Hàn Quốc và Mỹ.
Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng chính Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể mới là nhân tố không đảm bảo cho sự hiện diện của quân Mỹ tại Hàn Quốc. Ông thường xuyên phàn nàn về chi phí đắt đỏ khi binh sĩ Mỹ đóng quân tại đây.
Chính phủ Seoul trước đó cũng đã cam kết tăng phí duy trì lính Mỹ trên lãnh thổ, song thỏa thuận mới chỉ có hiệu lực trong một năm. Vì vậy, hai bên sẽ sớm phải quay trở lại bàn đàm phán về vấn đề trên.