Dự án xe chiến đấu robot tập trung mạnh vào nghiên cứu và phát triển hơn là triển khai quy mô lớn, trong bối cảnh chúng ta vẫn còn một chặng đường dài tới lúc chứng kiến một tiểu đoàn robot hành quân ra chiến trường.
Tuy nhiên, khi thế giới đang tiến mạnh tới tự động hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các nhà thầu tham gia dự án này có thể đang đặt nền móng cho những vai trò quan trọng của họ và cả nguồn lợi khổng lồ trong tương lai.
Bước tiến đến Đội quân "Kẻ hủy diệt"?
Quân đội Mỹ đã lựa chọn bốn nhóm tham gia cuộc cạnh tranh nghiên cứu và chế tạo Xe Chiến đấu Điều khiển từ xa hạng Nhẹ (LRCV). Các đối thủ này bao gồm hai công ty lớn của Mỹ là Textron và Oshkosh, cùng với hai công ty của Anh là QinetiQ và công ty tư nhân HDT Global.
Bốn nhóm sẽ chế tạo các nguyên mẫu xe chiến đấu tự động mà họ đề xuất, sau đó được quân đội Mỹ đánh giá và thử nghiệm. Lục quân Mỹ đặt hy vọng sẽ triển khai loại robot giành chiến thắng trong cuộc đua này trên chiến trường sớm nhất từ năm 2028.
Xem video minh họa triển khai xe chiến đấu tự động Ripsaw M5:
Xe Chiến đấu Tự động hạng nhẹ được thiết kế với khả năng mang theo một lượng vũ khí giới hạn, được lắp đặt các cảm biến để thu thập thông tin tình báo và cải thiện khả năng quan sát trên chiến địa. Nếu mọi chuyện đi đúng kế hoạch, những phiên bản robot xe tăng lớn hơn, trang bị vũ khí mạnh hơn sẽ được nghiên cứu chế tạo sau đó.
Việc sử dụng các phương tiện này sẽ diễn ra tương tự như chương trình máy bay không người lái “trung thành” đang được Không quân Mỹ theo đuổi. Các robot sẽ được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ trinh sát và thậm chí có những tiếp cận ban đầu với quân địch, cung cấp cho chỉ huy chiến trường nhiều thông tin hơn về những gì họ phải đối mặt và giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt hơn.
Dự kiến trong khoảng năm 2020-2023, quân đội Mỹ sẽ thử nghiệm 3 loại phương tiện bộ binh không người lái (UGV). Trong đó, Xe chiến đấu Từ xa (RCV) hạng nhẹ sẽ nặng khoảng 10 tấn, được trang bị súng máy hoặc rocket thuộc lớp tên lửa chống tăng Javelin.
Xe RCV hạng trung sẽ nặng khoảng 12 tấn, mang theo đại bác nòng 30 ly hoặc vũ khí tương tự, tương đương với vũ trang của một xe chiến đấu bộ binh M-2 có người lái. Trong khi đó, dòng RCV hạng nặng sẽ là một xe tăng tự động, nặng khoảng 20 tấn, có thể trang bị súng 120 ly.
Các phương tiện tự động sẽ mang đến năng lực bổ sung nhằm áp đảo hàng phòng thủ của đối phương cũng như chuyển hướng ở những khu vực quá nguy hiểm cho các loại xe chiến đấu có người lái.
Ít nhất là tới hiện tại, các robot chiến đấu sẽ được điều khiển từ xa bởi con người, nhưng quân đội Mỹ hy vọng sẽ tăng khả năng chủ động của chúng nhờ những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo theo thời gian.
Những người tham gia cuộc đua
Bốn công ty tham gia vào “cuộc chơi” sở hữu những bộ kỹ năng khác nhau. Oshkosh Defense là nhà sản xuất Xe Chiến thuật Hạng nhẹ Phối hợp (JLTV), một sản phẩm thay thế dòng xe trứ danh Humvee, và có nhiều thập kỷ kinh nghiệm sản xuất phương tiện quân sự có bánh.
Trong khi đó, Textron sở hữu mảng doanh nghiệp quốc phòng lớn và đang chế tạo máy bay không người lái, máy bay trực thăng cũng như các phương tiện trên bộ. Đây cũng là một trong những nhà tiên phong trong nỗ lực tự động hóa tàu chiến. Công ty đã thể hiện rõ mối quan tâm đối với sản xuất robot xe tăng vào năm ngoái khi mua lại Howe & Howe, một nhà sản xuất xe bộ binh không người lái được sử dụng bởi quân đội Mỹ và cả Hollywood. Textron hiện đang gửi phiên bản xe Ripsaw hiện tại của Howe & Howe tới cuộc đua.
HDT Global thì sở hữu nhà máy chế tạo một loạt các sản phẩm bao gồm nơi trú ẩn, máy phát điện và xe kéo cho quân đội. Họ đã được nâng cao chuyên môn về tự động học trong những năm gần đây, bao gồm cả việc phát triển robot hậu cần Hunter WOLF.
Cuối cùng là QinetiQ, một nhà sản xuất robot nhỏ, đầu năm nay đã giành được hợp đồng trị giá 164 triệu USD để cung cấp cho quân đội Mỹ loại robot mặt đất nhét vừa ba lô của quân nhân. Công ty đang hợp tác với Pratt & Miller, đưa ra một phiên bản Xe tự hành mô-đun viễn chinh (EMAV), đã thu hút sự quan tâm của Thủy quân lục chiến Mỹ.
Triển vọng lớn
Cuộc đua này tương đối nhỏ so với các khoản mua sắm trị giá hàng tỷ USD từ Lầu Năm Góc, tuy nhiên, phần thưởng cho người chiến thắng sẽ còn lớn hơn thế nhiều trong những năm tiếp theo.
Trong hầu hết thời kỳ hậu chiến, các hợp đồng thường trao cho những công ty quốc phòng có chuyên môn sản xuất cụ thể để chế tạo máy bay, tàu chiến. Mặc dù các kỹ năng về uốn kim loại sẽ tiếp tục quạn trọng, nhưng trong những năm gần đây, việc ai là người có thiết kế tiên tiến nhất, có bí quyết công nghệ để chế tạo bộ não điện tử cho các nền tảng quân sự phức tạp mới trở thành người chơi quyết định.
Robot xe chiến đấu bước ra từ cuộc thi này có thể là một cỗ máy công nghệ tương đối thấp nhưng có bộ cảm biến mạnh mẽ và thiết bị điện tử tiên tiến cùng giao diện mà hàng ngàn nhân viên quân sự sẽ được đào tạo và làm quen.
Tuy vẫn còn cách xa kịch bản khoa học viễn tưởng về các đội quân robot trên chiến trường, nhưng công ty nào nổi lên từ cuộc đua này sẽ đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy quá trình tự động hóa của Quân đội Mỹ.