Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Manohar Parrikar (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu. Ảnh: indiatv
|
Sau bốn năm bị đóng băng, công cuộc hợp tác song phương vừa được lãnh đạo hai nước khôi phục lại bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi)
Việc Moskva và New Delhi nối lại hợp tác quốc phòng chắc chắn sẽ làm cho Bắc Kinh thêm lo ngại, vì điều đó sẽ cho phép Ấn Độ - đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc - có cơ hội tăng cường năng lực quân sự.
Theo nhận định của chuyên gia Emanuele Scimia trên báo mạng "Asia Times" ngày 4/11, việc Ấn Độ và Nga tăng cường hợp tác quân sự còn có một hệ quả thứ hai, đó là khiến cho "quan hệ đối tác toàn diện chiến lược phối hợp" - mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc - trở nên ít tính chiến lược và tính phối hợp hơn.
Mối lo lớn nhất của Trung Quốc là các thỏa thuận vũ khí được ký kết tại Goa, đặc biệt là việc Moskva sẽ trang bị cho New Delhi 5 hệ thống phòng không hiện đại S-400 Triumph với trị giá 5 tỷ USD. Nhiều chuyên gia ở Ấn Độ đã không ngần ngại cho rằng với việc mua hệ thống S-400, New Delhi đã thay đổi cuộc chơi trong cán cân quân sự vùng Nam Á. Với thương vụ mua S-400 của Nga, New Delhi sẽ đảm bảo được thế cân bằng chiến lược trên không với Bắc Kinh tại khu vực Himalaya, nơi hai nước vẫn có tranh chấp.
Trên thực tế, Trung Quốc là nước đã đặt mua hệ thống phòng không S-400 của Nga trước Ấn Độ. Vào năm 2015, Bắc Kinh đã ký với Nga một hợp đồng trị giá 3 tỷ USD để mua một số hệ thống phòng không S-400. Tuy nhiên, Bắc Kinh được cho là sẽ triển khai các hệ thống này tại vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông để đối đầu với Mỹ, chứ không nhằm chống Ấn Độ.
Đối với chuyên gia Scimia, việc Nga bán tên lửa S-400 cho Ấn Độ là một vố đau cho Trung Quốc, đặc biệt vào lúc Bắc Kinh luôn khoe rằng quan hệ với Moskva đã ngày càng sâu sắc từ 2 năm gần đây. Tháng 9/2016, hai nước tiến hành cuộc tập trận hải quân với quy mô chưa từng thấy trên Biển Đông, trong lúc Nga lên tiếng thận trọng ủng hộ lập trường của Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên mà các thương vụ bán vũ khí của Nga, không chỉ với Ấn Độ, gây tác động gián tiếp tới Trung Quốc. Vấn đề là do đã luôn luôn ca ngợi quan hệ chiến lược thắm thiết với Nga, Trung Quốc dường như đang trong tình trạng "há miệng mắc quai" trước các thương vụ bán vũ khí của Moskva.