Nga thể hiện sức mạnh biển tại IMDS 2015

Với khẩu hiệu "Thông qua hợp tác, hướng tới hòa bình và tiến bộ", từ 1-5/7 tại trung tâm hội chợ triển lãm LenExport ở thủ đô phương Bắc St. Petersburg của Nga diễn ra Triển lãm Hải quân quốc tế lần thứ 7 (IMDS 2015) với sự tham gia của hơn 450 doanh nghiệp trong đó có 40 công ty nước ngoài thuộc 27 quốc gia trên thế giới.

Các chiến hạm Nga tại IMDS 2015.


Điểm đáng chú ý của IMDS 2015 là trên các cầu tàu vắng bóng các tàu nước ngoài do các biện pháp bao vây cấm vận của phương Tây, song triển lãm không vì thế kém phần thú vị. Tại lễ khai mạc, Tham mưu trưởng Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Chirkov cho biết thật tiếc vì không thể đưa tới triển lãm các tàu ngầm hạt nhân, máy bay, khu trục hạm Gorshkov mới hiện đang trong quá trình thử nghiệm, tuy nhiên tại triển lãm cũng giới thiệu tất cả các phương tiện khí tài hải quân mới nhất khác của Nga.

Tàu ngầm diesel-điện Stary Oskol (Dự án 636 lớp Varshavyanka).


Trên cầu tàu, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng hơn 30 tàu chiến, tàu chiến đấu nhỏ và tàu hỗ trợ của Nga. Trong số này đáng kể là tàu ngầm diesel-điện Stary Oskol (Dự án 636 lớp Varshavyanka) được chuyển giao cho Hải quân Nga ngay tại triển lãm; tàu hộ vệ tên lửa Stoiky (Dự án 22380, lớp Steregushchy); tàu đổ bộ đệm khí cỡ nhỏ Evghenii Kocheskov (Dự án 12322, lớp Zybr); tàu rà phá thủy lôi Aleksander Obukhov; tàu chống biệt kích Grachonok; cũng như tàu đổ bộ đệm khí cao tốc lớp Dyugon; tàu tuần tra Raptor (Dự án 03160)...

Tàu hộ vệ tên lửa Stoiky (Dự án 22380, lớp Steregushchy).


Tại gian trưng bày của "Công ty Đóng tàu Thống nhất" (USC), doanh nghiệp đóng tàu lớn nhất của Nga, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng hơn 30 mô hình tàu ngầm, chiến hạm nổi, tàu tuần tra và tàu hỗ trợ. Trong số này có tàu khu trục nhỏ đa năng tương lai mới nhất lớp Rusich-1 (Dự án 22.356); tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa lớp Borey (Dự án 955); tàu ngầm diesel-điện lớp Amur-1650 (Dự án 677E); cũng như tàu ngầm cỡ nhỏ linh hoạt lớp Piranha-T.

Tàu đổ bộ đệm khí cỡ nhỏ Evghenii Kocheskov (Dự án 12322, lớp Zybr).


Trong gian trưng bày của Trung tâm khoa học nhà nước mang tên Viện sĩ Krylov có thể xem mô hình và tham vấn thông tin về dự án tàu sân bay hạt nhân thế hệ mới của Nga 23000E Storm với 2 đường băng, lượng giãn nước từ 95-100.000 tấn chở được 90 máy bay các loại; tàu khu trục chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Leader (Dự án 23.560).

Gian trưng bày của Công ty Đóng tàu thống nhất Nga USC.


Trung tâm Krylov cũng đang thiết kế tàu đổ bộ chở trực thăng cỡ lớn mã hiệu Lavina để hoàn toàn thay thế tàu Mistral của Pháp. Được biết tàu lớp Lavina có năng lực gấp đôi Mistral, có thể mang theo 16 trực thăng, 450 lính thủy đánh bộ và 80 đơn vị kỹ thuật mặt đất. Triển lãm cũng lần đầu tiên giới thiệu mẫu concept tàu ngầm cứu hộ không người lái có khả năng tìm kiếm ở độ sâu 1.000m hay tàu tuần tra mới nhất làm bằng vật liệu composite (Dự án 1650) dự kiến đưa vào sản xuất năm 2016.

Tàu ngầm diesel-điện lớp Amur-1650 (Dự án 677E).


Thăm gian trưng bày "Công ty vũ khí tên lửa chiến lược" (KTRV), bạn có thể nghiên cứu các dòng tên lửa đối hạm Kh danh tiếng của Nga. Cụ thể, tại triển lãm lần này KTRV giới thiệu mẫu tên lửa dẫn đường chiến thuật đối hạm lắp trên máy bay Kh-35UE và tên lửa dẫn đường đối hạm tốc độ cao Kh-31AD. Tên lửa Kh-35UE, thay thế Kh-35E, giúp mở rộng đáng kể khả năng chiến đấu của hệ thống Uran trên tàu hay hệ thống báo vệ bờ biển Bal. Được biết tên lửa Kh-35UE không thua kém phiên bản Harpoon mới nhất của Mỹ và vượt trội so với các tên lửa nổi tiếng khác cùng loại, như Exocet của Pháp. Còn tên lửa tốc độ cao Kh-31AD có tầm bắn tới 150km, có thể trang bị cho các máy bay Su-30MK, Su-35, MiG-29K, MiG-29KUB, và MiG-35.

Tàu ngầm diesel-điện Dự án 877.


Gian trưng bày của công ty tên lửa phòng không danh tiếng Almaz-Antei giới thiệu hơn 25 mô hình sản phẩm. Đặc biệt là modul chiến đấu tự động 9A331MK-1 thuộc hệ thống tên lửa Tor M2KM và tháp pháo 3M-47 Komar. Ngoài ra khách tham quan có thể xem nhiều mô hình hệ thống tên lửa hiện đại S-400 Triumph, C-300VM (Antey-2500), S-300PMU2 Favorit, C-350E Vitiat, Buk-M2E, Buk M2KM, Tor-M2E, Reef-M và Still-1, hệ thống phòng không-cao xạ phức hợp Tunguska-M1, hệ thống tên lửa tích hợp Caliber-PLE và Caliber-NCE.

Tàu ngầm cỡ nhỏ linh hoạt lớp Piranha-T.


Không chỉ có các nhà sản xuất trang thiết bị, triển lãm cũng giới thiệu nhiều giải pháp hậu cần, mặt đất, phòng thủ bờ biển, tác chiến trên biển của các công ty Nga. Phó thủ tướng Nga phụ trách tổ hợp công nghiệp quốc phòng Dmitry Rogodin nhấn mạnh tham gia triển lãm có rất nhiều công ty danh tiếng của Nga như Rosoboronexport; Rostec, Trung tâm nghiên cứu Elektropribor, Liên hiệp chế tạo khoa học Aurora, Công ty Granit-Elektron; Trung tâm Nghiên cứu Prometey, Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk, Công ty cổ phần Morinformsystem-Agat cùng 62 đoàn đến từ 42 quốc gia trên thế giới. Đoàn Việt Nam do Chuẩn đô đốc Phạm Xuân Điệp, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam dẫn đầu.

Tên lửa dẫn đường đối hạm Kh-35UE.


Đề cập tới khả năng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực hải quân, ông Vladimir Pepeljaev, Trưởng bộ phận đóng tàu quân sự của Trung tâm Krylov cho biết: "Tôi đã tới thăm triển lãm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi có những người bạn ở Việt Nam. Chúng ta có mối quan hệ tương tác tốt đẹp trong lĩnh vực đóng tàu, cũng như thiết bị căn cứ, hệ thống điều khiển cho hạm đội Việt Nam. Và tôi cũng đã tới Cam Ranh. Bởi vậy tôi hy vọng và chúng tôi rất tin tưởng chúng tôi và những người bạn Việt Nam sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, kể cả lĩnh vực đóng tàu. Nếu các bạn cần tới sự hỗ trợ khoa học kỹ thuật nào đó, Trung tâm Krylov của chúng tôi luôn sẵn sàng".

Tên lửa đối hạm tốc độ cao Kh-31AD.


Tại triển lãm lần này, khách tham quan còn được chứng kiến màn biểu diễn máy bay mãn nhãn của các đội bay danh tiếng Nga cũng như xem bắn thử các loại pháo trên tàu chiến tại trường bắn Rzev ở ngoại ô St. Petersburg.

Mô hình tàu sân bay thế hệ mới của Nga.


Với 4 chiếc tàu ngầm lớp Varshavyanka đã chuyển giao cho Việt Nam. Có thể nói hợp tác trong lĩnh vực quân sự là một trong những điểm sáng của mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Nga. Hy vọng, Việt Nam sẽ ngày càng nhanh chóng hấp thụ nhiều công nghệ quân sự tiên tiến của Nga để bảo vệ vững chắc biển đảo, biên cương đất nước.

Tin, ảnh: Duy Trinh (P/v TTXVN tại Moskva)
Đội bay nhào lộn Nga làm mãn nhãn khán giả
Đội bay nhào lộn Nga làm mãn nhãn khán giả

Ba đội bay nổi tiếng của Nga gồm Swifts, Russ và Knights đã trình diễn các màn nhào lộn làm mãn nhãn đám đông người xem tại Triển lãm quốc phòng hàng hải quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN