Mỹ có trong tay hệ thống tên lửa Pantsir ‘mãnh thú’ của Nga

Quân đội Mỹ được cho là đã lấy được một hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1 từ tay lực lượng thân tướng Khalifa Haftar tại Libya hồi năm 2020.

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng thủ tên lửa Pantsir tham gia diễu binh trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: Reuters

“The Times” (Anh) là tờ báo đầu tiên đăng tải thông tin về sứ mệnh bí mật này. Chiến dịch diễn ra tháng 6/2020. Theo mô tả của “The Times”, một máy bay vận tải hạng nặng C-17A Globemaster III của không quân Mỹ đã đáp xuống sân bay quốc tế Zuwarah ở phía Tây thủ đô Tripoli, Libya. Sau khi tiếp nhận hệ thống Pantstir-S1, chiếc C-17A bay tới căn cứ quân sự Ramstein, Đức. 

Hiện chưa biết chính xác Pantstir-S1 này là phiên bản nào. Tại Libya, Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Haftar nhận được một số hệ thống phòng không Pantsir-S1 từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). UAE mua của Nga phiên bản tích hợp trên xe chiến đấu bánh lốp 8x8. Hình ảnh rò rỉ hồi năm ngoái cũng cho thấy Pantsir-S1 có trong biên chế của LNA là một phiên bản tiêu chuẩn, sử dụng xe tải bánh lốp 8x8 KAMAZ-6560 và cũng chính là biến thể xuất khẩu đời đầu của Nga. 

Hệ thống Pantsir-S1 được trang bị hai pháo tự động cỡ nòng 30mm với tốc độ bắn 5.000 phát/phút, trang bị 1.500 viên đạn nổ mảnh hoặc xuyên giáp với tầm bắn tối đa 4km. Bên cạnh đó, bệ phóng còn có 6 tên lửa tầm ngắn 57E6 có điều khiển để tiêu diệt mục tiêu trên không, tầm bắn 32km và có thể diệt mục tiêu ở độ cao tới 15km tùy từng biến thể. Tuy nhiên, Pantstir-S1 chủ yếu thiết kế để diệt mục tiêu tầm thấp, như tên lửa hành trình, drone, máy bay chiến thuật… Đây được xem là tổ hợp pháo phòng không kết hợp với tên lửa điều khiển ưu việt nhất. 

LNA có đại bản doanh đóng ở Tobruk, miền đông Libya. Trong cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc công nhận, LNA nhận được sự hậu thuẫn của Nga, UAE, Ai Cập và một số nước khác. 

“The Times” không nói rõ hệ thống Pantsir-S1 này được Mỹ lấy từ địa điểm nào, nhưng cho biết lực lượng thân GNA đã thu được tổ hợp vũ khí này sau một cuộc phản công nhằm vào một sân bay.

Thông tin này được cho là hợp lý, bởi trên thực tế GNA đã đánh bật LNA khỏi căn cứ không quân Al Watiya ở tây nam thủ đô Tripoli hồi tháng 5/2020. Ít nhất 8 tổ hợp phòng không này được cho là đã bị phá hủy, hoặc bị GNA thu giữ.

Hiện chưa rõ diễn biến tiếp theo sau khi Pantsir-S1 được chở tới Đức. Sử dụng dữ liệu chuyên về theo dõi chuyến bay trực tuyến, giới quan sát cho rằng chiếc C-17A kia đã xuất phát từ căn cứ không quân Base Charleston ở South Carolina với điểm đến là Ramstein, đúng một ngày sau khi GNA kiểm soát được căn cứ Al Watiya. Máy bay sau đó có nhiều đợt cất hạ cánh qua lại Libya và trở về Charleston vào ngày 7/6/2020. 

Chú thích ảnh
Một tổ hợp Pantsir-S1 của lực lượng thân tướng Haftar bị thu giữ ở căn cứ Al Watiya tháng 5/2020. Ảnh: Drive

Giá trị tin tức tình báo có được từ Pantsir-S1 là động lực để quân đội Mỹ rốt ráo đưa hệ thống tên lửa này khỏi Libya. Trước thời điểm này, chưa rõ quân đội Mỹ đã có trong tay một hệ thống Pantsir-S1 hay chưa, dù hệ thống này đã được Nga đưa vào phiên chế từ năm 2012. Việc mổ xẻ chi tiết sẽ giúp Mỹ có được một loạt thông tin tình báo quan trọng. Đơn cử, làm rõ chất liệu sử dụng trong Pantsir-S1 sẽ cho ra câu trả lời về sức mạnh nền công nghiệp quốc phòng Nga. 

Thu giữ một hệ thống Pantsir-S1 hoàn chỉnh, còn nguyên khả năng tác chiến giúp quân đội Mỹ có được một hệ thống sát thủ đầy giá trị, nhất là khi phát triển các biện pháp để đối phó với chủng loại vũ khí được coi là “quái thú” của Nga. Từ đây, Mỹ còn có điều kiện triển khai các chiến thuật, kĩ thuật, quy trình mới để hạn chế hiệu quả của hệ thống Pantsir-S1.  

Lâu nay, quân đội Mỹ luôn nỗ lực sở hữu bằng được các hệ thống vũ khí đạt diện uy lực của nước ngoài, nhất là máy bay chiến đấu và các tổ hợp phòng thủ tên lửa, kể cả thông qua thị trường mở hoặc các biện pháp bí mật khác, nhằm phục vụ cho các mục đích thử nghiệm, huấn luyện, cải tiến. 

Năm 1988, đặc nhiệm Mỹ đã lấy được một máy bay trực thăng Mi-25 Hind của Libya từ nước láng giềng Cộng hòa Chad. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, không quân Mỹ còn lập hẳn một phi đội tuyệt mật có tên gọi “Đại bàng Đỏ” (Red Eagles), được trang bị hoàn toàn bằng máy bay chiến đấu của nước ngoài, có được nhờ các chiến dịch đánh cắp, buôn lậu. Phi đội này chuyên thực hiện các nhiệm vụ thử nghiệm và huấn luyện chống đối phương. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (The Drive)
Syria bắn hạ mục tiêu Israel bằng tên lửa phòng không Pantsir và Buk của Nga
Syria bắn hạ mục tiêu Israel bằng tên lửa phòng không Pantsir và Buk của Nga

Quân đội Nga ngày 20/1 cho biết Syria đã sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Pantsir và Buk để đánh chặn các mục tiêu là 7 tên lửa phóng đi từ máy bay tiêm kích F-16 Israel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN