Đây là kết quả nghiên cứu của Đại học Duke thuộc bang Bắc Carolina (Mỹ) công bố ngày 18/2 trên tạp chí PLOS ONE.
Để đưa ra kết luận trên, các kỹ sư y sinh tại Đại học Duke đã tiến hành thử nghiệm và so sánh khả năng bảo vệ của các loại mũ chiến đấu được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất như mũ Brodie của quân đội Mỹ và Anh, mũ Adrian của Pháp, mũ Stahlhelm của Đức, với loại mũ chiến đấu tân tiến hiện nay của Mỹ. Cuộc thử nghiệm tiến hành trên một hình nộm chịu tác động của sóng xung kích có cường độ khác nhau và xấp xỉ cường độ của một vụ nổ đạn pháo.
Kết quả cho thấy loại mũ Adrian mà quân đội Pháp sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất bảo vệ tốt hơn so với các loại mũ của quân đội Mỹ ngày nay. Theo đó, những binh lính đội mũ Adrian vào khoảng năm 1915 ít nguy cơ bị tổn thương ở đầu hơn so với các loại mũ khác.
Theo các nhà nghiên cứu, mũ chiến đấu Adrian có một chỏm trên đỉnh được cho là có thể làm lệch hướng sóng xung kích.
Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên đánh giá khả năng bảo vệ của những chiếc mũ chiến đấu được sử dụng từ trước đến nay trong các vụ nổ. Kết quả nghiên cứu mở ra hướng cải tiến thiết kế mũ chiến đấu, giúp nâng cao khả năng bảo vệ trong các vụ nổ với các vật liệu và công nghệ ngày càng hiện đại.