IAEA không nêu lý do dẫn tới việc ngừng hoạt động lò trên, song một số chuyên gia phân tích độc lập cũng sử dụng các hình ảnh vệ tinh cho rằng lò phản ứng cũ này đang gặp trục trặc kỹ thuật.
Lò phản ứng 5MW nói trên nằm trong tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. Việc tháo dỡ lò này là một vấn đề trung tâm trong các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tuần trước.
Phát biểu tại một phiên họp kín của Ban điều hành IAEA, Tổng Giám đốc Yukiya Amano cho biết: "IAEA đã không quan sát thấy bất kỳ dấu hiệu hoạt động nào tại lò 5MW từ đầu tháng 12/2018".
Ông nói thêm rằng tại phòng thí nghiệm hóa phóng xạ, nơi tách plutoni khỏi các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng của nhà máy này, không có dấu hiệu nào cho thấy diễn ra hoạt động tái chế trên.
Tuy nhiên, ông Amano cho biết một cơ sở vốn được cho là nơi làm giàu urani, quá trình cũng có thể tạo bom nguyên tử, dường như đang hoạt động. Và hoạt động xây dựng đang được tiếp tục tại một lò phản ứng nước nhẹ thực nghiệm.
IAEA đã không được tiếp cận các lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên kể từ khi Bình Nhưỡng trục xuất các thanh sát viên của cơ quan này năm 2009.
Hiện việc giám sát các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên chủ yếu được thực hiện qua hình ảnh chụp từ vệ tinh. IAEA nhiều lần cho biết họ sẵn sàng đóng một vai trò kiểm chứng tại Triều Tiên nếu đạt một thỏa thuận chính trị liên quan đến các cơ sở hạt nhân của nước này.
Đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân từ năm 2006-2017, và đến năm 2018 đã cho phá dỡ các đường hầm tại bãi thử hạt nhân chính của mình, nhấn mạnh là bằng chứng cho thấy cam kết ngừng thử hạt nhân.