Phát biểu với tờ Financial Times, Đại sứ Mosbacher cho biết kế hoạch trên được đưa ra theo yêu cầu của chính phủ cánh hữu ở Vacsava. Bà Mosbacher nhấn mạnh đây sẽ là một đợt tăng quân quy mô lớn của Mỹ tại Ba Lan, song không cho biết thêm thời gian biểu cho hoạt động này.
Tuy nhiên, trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc Eric Pahon tuyên bố nước này và Ba Lan vẫn chưa nhất trí về bất kỳ kế hoạch tăng quân nào và các cuộc thương lượng về vấn đề này vẫn đang diễn ra. Ông nhấn mạnh những tin đồn về việc Mỹ tăng quân tại Ba Lan "ở thời điểm này là chưa có căn cứ", và kết quả các cuộc đàm phán sẽ được thông báo vào "thời điểm thích hợp".
Các thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đang tham dự hội nghị các vấn đề an ninh ở Trung Đông diễn ra từ ngày 13-14/2 tại thủ đô Vacsava - sự kiện mà Mỹ và Ba Lan đồng tổ chức. Dự kiến, Phó Tổng thống Mỹ Pence và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda sẽ ký một thỏa thuận cho phép Vacsava mua các bệ phóng tên lửa di động trị giá 414 triệu USD của Mỹ. Tháng 3/2018, Vacsava đã ký một hợp đồng trị giá 4,75 tỷ USD mua một hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ.
Mỹ đang có 4.000 binh sĩ đồn trú tại Ba Lan trong khuôn khổ luân phiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chính phủ Ba Lan đang thúc đẩy Mỹ mở một căn cứ quân sự thường trực trên lãnh thổ nước mình. Tuy nhiên, Đại sứ Mosbacher đã nhắc lại phát biểu của các quan chức quốc phòng Mỹ bác bỏ mọi ý định lập một căn cứ quân sự thường trực của Mỹ tại Ba Lan.