Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đưa ra tuyên bố trên sau cuộc họp Hội đồng NATO-Nga tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 5/7.
Phát biểu với phóng viên sau cuộc họp gồm các nhà ngoại giao và quan chức hai bên, Tổng Thư ký Stoltenberg nêu rõ không có dấu hiệu đột phá tại cuộc họp. Ông cho biết cơ hội tìm ra một giải pháp "ngày càng ít" song NATO vẫn không từ bỏ nỗ lực thuyết phục Moskva phá hủy tên lửa hành trình phóng từ mặt đất SSC-8 mà theo NATO, INF cấm các tên lửa với tầm bắn 500-5.500 km.
INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Mỹ đã chính thức đình chỉ các nghĩa vụ của mình trong hiệp ước INF từ ngày 2/2 vừa qua với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này, đồng thời bắt đầu thực hiện tiến trình rút khỏi INF kéo dài 6 tháng. Nga đã bác bỏ những cáo buộc trên, cho rằng chính Washington mới là bên vi phạm hiệp ước. Sau đó, ngày 3/7 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã phê chuẩn dự luật đình chỉ hiệp ước này.
Việc INF đổ vỡ tiếp tục cho thấy mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Các chuyên gia và giới chức phương Tây lo ngại nguy cơ an ninh do châu Âu nằm trong tầm ngắm tên lửa tầm trung của Nga. Moskva khẳng định kiềm chế các ý định gây hấn của NATO, vừa thúc đẩy đàm phán với các nước thành viên của tổ chức này. Nga không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng phải đảm bảo an ninh của mình.
Trong diễn biến liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 5/7 bày tỏ hy vọng rằng tại cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson tại Geneva, Thụy Sĩ, trung tuần tháng 7 này, Moskva có thể khởi động một cuộc đối thoại bền vững với Washington về ổn định chiến lược.
Phát biểu với phóng viên, Thứ trưởng Ryabkov cho biết cần phải khởi động một tiến trình có tổ chức và hiện tại, phái đoàn của Nga vừa hoàn tất một loạt sự kiện tại Washington, nơi có các cuộc gặp song phương, bao gồm cả bên lề hội nghị quốc tế về việc thiết lập một môi trường hướng tới giải trừ hạt nhân.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Nga Putin cho rằng không phải Nga mà chính là Mỹ đã bắt đầu phá vỡ hệ thống an ninh quốc tế bằng hành động đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 2002 - vốn được coi là "hòn đá tảng" của toàn bộ cấu trúc kiểm soát vũ khí. Nga đã tiếp cận với Mỹ hơn một lần, khuyến nghị rằng cả hai bên cần giải quyết các vấn đề quan ngại liên quan INF, nhưng đã bị Washington từ chối. Mỹ dường như không sẵn sàng thảo luận về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) sẽ hết hạn từ đầu năm 2021 hoặc khả năng soạn thảo chi tiết một thỏa thuận toàn diện mới.