Ngày 29/9, Pháp đã kêu gọi thảo luận trong Nhóm Minsk do Nga, Pháp và Mỹ chủ trì và làm trung gian hòa giải giữa Armenia và Azerbaijan, để tìm cách giải quyết cuộc xung đột đang leo thang giữa hai nước này. Nguồn tin từ Điện Elysse nêu rõ trong những ngày tới, Paris sẽ kích hoạt kênh phối hợp của Nhóm Minsk để làm rõ trách nhiệm của mỗi bên và tìm ra giải pháp.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Merkel đã có cuộc điện đàm riêng rẽ với các nhà lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức giao tranh tại khu vực Nagorny-Karabakh, hối thúc một lệnh ngừng bắn.
Người phát ngôn Thủ tướng Steffen Seiber cho biết: "Thủ tướng Angela Merkel đã có một cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinya vào ngày hôm qua (28/9) và với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev vào ngày hôm nay (29/9). Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về leo thang xung đột giữa Azerbaijan và Armenia. Thủ tướng (Merkel) đã nhấn mạnh cần phải ngừng bắn ngay lập tức và quay trở lại các cuộc đàm phán."
Về phía Nga, nước đồng Chủ tịch Nhóm Minsk, cùng ngày, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố nước này muốn chấm dứt giao tranh giữa lực lượng Azerbaijan và lực lượng sắc tộc Armenia tại khu vực Nagorny-Karabakh, đồng thời cảnh báo phương án hỗ trợ quân sự cho bất kỳ bên nào đều là hành động "đổ thêm dầu vào lửa". Ông cho biết thêm rằng Moskva duy trì kênh liên lạc thường xuyên với giới chức tại Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan về cuộc xung đột.
Quan chức Điện Kremlin cũng đồng thời hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ có hành động để hỗ trợ chấm dứt các cuộc giao tranh đẫm máu ở Nagorny-Karabakh trong bối cảnh Ankara ủng hộ mạnh mẽ Azerbaijan. Ông nói: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên, nhất là các nước đối tác như Thổ Nhĩ Kỳ, phải làm mọi việc có thể vì một lệnh ngừng bắn và mang lại một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này bằng cách sử dụng các biện pháp chính trị và ngoại giao..."
Lời kêu gọi của Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trước đó một ngày đã yêu cầu Armenia chấm dứt việc "chiếm đóng" Nagorny-Karabakh và kêu gọi Armenia rời khỏi vùng lãnh thổ này vốn được quốc tế công nhận là thuộc Azerbaijan.
Theo Sputnik news, ngày 29/9, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố, Ankara sẵn sàng hỗ trợ Azerbaijan cả trên bàn đàm phán và trên chiến trường. Phát biểu với báo giới tại Ankara sau chuyến thăm Đại sứ quán Azerbaijan, Ngoại trưởng Cavusoglu nói: "Chúng tôi muốn vấn đề Nagorny-Karabakh được giải quyết một cách triệt để. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều nhưng vô hiệu. Chúng tôi luôn sát cánh với Azerbaijan - cả trên chiến trường và trên bàn đàm phán. Chúng tôi sẽ tiếp tục sự đoàn kết này".
Ông Numan Kurtulmush, Phó Chủ tịch đảng Công lý và Phát triển cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, người cũng có mặt trong chuyến thăm phái đoàn ngoại giao Azerbaijan ở Ankara, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ coi các vấn đề của Azerbaijan như là vấn đề của chính mình.
Tương tự những người đồng cấp châu Âu, ngày 29/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi các bên chấm dứt giao tranh ở khu vực Nagorny-Karabakh và quay lại thương lượng "sớm nhất có thể".
Trong khuôn khổ chuyến công du Hy Lạp, Ngoại trưởng Pompeo nói: "Cả hai bên (Armenia và Azerbaijan) phải chấm dứt tình trạng bạo lực và phối hợp với Nhóm Minsk... để nối lại cuộc thương lượng thực chất sớm nhất có thể".
Trong một diễn biến liên quan, tại phiên họp toàn thể ngày 29/9, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua một nghị quyết về tình hình ở Nagorny-Karabakh, kêu gọi các bên quay trở lại bàn đàm phán và bày tỏ sẵn sàng trở thành bên hòa giải trong việc ổn định tình hình.
Nghị quyết có đoạn: "Duma Quốc gia Nga tuyên bố cần ngừng bắn ngay lập tức, ngăn chặn leo thang đối đầu trong khu vực, không thể có giải pháp khác ngoài việc giải quyết xung đột một cách hòa bình. Các đại biểu Duma Quốc gia kêu gọi các bên quay trở lại quá trình đàm phán càng sớm càng tốt và sẵn sàng hỗ trợ hòa giải để ổn định tình hình".
Ngoài ra, trong nghị quyết, các đại biểu bày tỏ quan ngại sâu sắc trong bối cảnh gia tăng căng thẳng tại khu vực xảy ra xung đột Nagorny-Karabakh khiến nhiều người thương vong, đồng thời lên án mạnh mẽ việc các bên sử dụng vũ lực.
Tuyên bố này của Duma Quốc gia sẽ được gửi tới Tổng thống và Chính phủ Nga cũng như quốc hội của hai nước Azerbaijan và Armenia và nhiều tổ chức quan trọng khác.
Liên quan đến tình hình thực địa, ngày 29/9, Armenia thông báo trường hợp thiệt mạng đầu tiên ngoài vùng tranh chấp trên lãnh thổ nước này.
Bộ Ngoại giao Armenia cho biết một dân thường đã bị sát hại ở thị trấn Vardenis của nước này trong một cuộc tấn công bằng pháo binh và máy bay không người lái của Azerbaijan. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên trên lãnh thổ Armenia kể từ khi giao tranh bùng phát ở vùng lãnh thổ Nagorny-Karabakh.
Về phần mình, theo hãng Interfax, cùng ngày, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết, 10 dân thường nước này đã bị sát hại kể từ khi cuộc giao tranh với các lực lượng Armenia bùng phát liên quan khu vực ly khai Nagorny-Karabakh.
Hai bên đã cáo buộc lẫn nhau khai hỏa vào lãnh thổ của mỗi bên trong bối cảnh cuộc giao tranh tồi tệ nhất kể từ thập niên 1990 đã sang ngày thứ 3.