Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng ra lệnh tấn công các địa điểm, các di sản văn hóa hay không, Bộ trưởng Esper nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tuân thủ các điều luật về xung đột vũ trang".
Khi một phóng viên hỏi rằng liệu điều này đồng nghĩa câu trả lời là "Không" do luật xung đột vũ trang nghiêm cấm tấn công các địa điểm văn hóa, ông Esper đã đồng ý khi nói rằng "đó là luật xung đột vũ trang" và từ chối giải thích thêm.
Phát biểu của Bộ trưởng Esper đi ngược lại với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hôm 5/1, theo đó cảnh báo sẽ tấn công 52 mục tiêu của Iran, trong đó có những địa điểm văn hóa quan trọng của nước CH Hồi giáo này nếu Tehran trả đũa việc Mỹ không kích sát hại Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Qassem Soleimani.
Theo luật pháp quốc tế, trong đó có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) năm 2017 và Công ước La Haye năm 1954 về bảo vệ các tài sản văn hóa, việc tấn công các địa điểm, di sản văn hóa bị coi là một tội ác chiến tranh.
Trước đó, đề cập tới các tuyên bố đáp trả nhau sau khi Mỹ tiến hành không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad của Iraq hôm 3/1 khiến Tướng Soleimani cùng một tướng của Iraq thiệt mạng, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của LHQ (UNESCO) Audrey Azoulay nêu rõ cả Iran và Mỹ phải tôn trọng công ước yêu cầu các quốc gia bảo tồn các di sản văn hóa thế giới.
Theo ông Azoulay, hai nước đều đã ký công ước năm 1972, theo đó buộc các quốc gia trên thế giới không được tiến hành bất kỳ biện pháp nào, có thể phá hoại trực tiếp hoặc gián tiếp các di sản văn hóa hay thiên nhiên của các nước khác.