Nhân dịp này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã có cuộc trao đổi với báo chí nhằm làm rõ thêm về tình hình chuẩn bị triển khai và những mục tiêu của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 khi hoạt động tại địa bàn Bentiu.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, việc triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã giúp Việt Nam đúc rút được những kinh nghiệm quý báu khi chuẩn bị triển khai nhiệm vụ cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tại Phái bộ Nam Sudan nói riêng, cũng như các đội hình cấp đơn vị làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình nói chung.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, nhiệm vụ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 không thay đổi so với Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, tuy nhiên thuận lợi là lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã có một năm thử thách trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan. Những kinh nghiệm, khó khăn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã trải qua được đúc rút và đưa vào chương trình huấn luyện và kế hoạch chuẩn bị cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2.
Về kinh nghiệm chuẩn bị vật chất, hậu cần, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, đây là “một điểm tuy nhỏ nhưng rất quan trọng”, bởi “khi sang bên đó mới biết với tình hình thực tế như vậy, chúng ta cần phải có những gì để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho hoàn thành nhiệm vụ cũng như sinh hoạt và đời sống của bộ đội”.
Những đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn Bentiu, Nam Sudan không giống như trong hình dung của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam trước khi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 sang thực hiện nhiệm vụ, có nhiều vấn đề đặc thù chưa lường hết.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đánh giá, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời rút ra kinh nghiệm để Bệnh viện dã chiến số 2 bớt phần bỡ ngỡ khi tổ chức các hoạt động ở Phái bộ Nam Sudan.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, việc cử các bệnh viện dã chiến tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã góp phần chứng tỏ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam khi thực sự vào cuộc với một đội hình là bệnh viện dã chiến chứ không chỉ là những sĩ quan độc lập. Ông cho rằng, quá trình điều hành, tiến hành các hoạt động của một Bệnh viện dã chiến cấp 2 cũng như duy trì sinh hoạt cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 hoàn toàn khác so với các sĩ quan độc lập.
“Một điểm ví dụ là vấn đề an toàn. Sự an toàn cho sĩ quan độc lập trong đội hình của Phái bộ khác hoàn toàn với việc đảm bảo an toàn cho một đơn vị của Quân đội được hoạt động độc lập với những nhiệm vụ trong và ngoài khuôn viên của Phái bộ. Duy trì hoạt động của một cá nhân độc lập cũng hoàn toàn khác với duy trì một đơn vị Quân đội của Việt Nam ở Phái bộ Nam Sudan", Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nêu rõ.
Một đơn vị của Quân đội Việt Nam tại phái bộ gìn giữ hòa bình phải thực hiện đầy đủ công tác tham mưu, chỉ huy, thông tin liên lạc, bảo đảm kỹ thuật, công tác chuyên môn và công tác Đảng, công tác chính trị. Ngoài ra, những mặt khác như công tác phụ nữ, công tác thanh niên cũng cần được tiến hành một cách đồng bộ như một đơn vị ở trong nước.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ tin tưởng: “Kinh nghiệm của năm vừa qua cho thấy, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã làm tốt các mặt công tác này, qua đó bồi đắp thêm kinh nghiệm cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 để khi sang Phái bộ Nam Sudan phấn đấu thực sự trở thành một đơn vị mẫu mực của Liên hợp quốc; đồng thời cũng sẽ là một đơn vị mẫu mực của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Với việc triển khai thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tại địa bàn phái bộ tại Bentiu, Nam Sudan, bên cạnh các mục tiêu về nhiệm vụ, công tác chuyên môn và hoạt động đối ngoại, điểm mới của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 là sẽ nỗ lực hình thành mô hình “bệnh viện không rác thải nhựa”.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho hay: “Cho đến nay chúng ta cũng chưa có chuẩn thế nào là không rác thải nhựa, nên chúng tôi đặt vấn đề đây là một bệnh viện hướng tới không rác thải nhựa, nghĩa là tất cả các vật dụng có thể thay thế bằng các vật dụng như gỗ, tre, dừa… của Việt Nam thì bệnh viện này đều sử dụng và không sử dụng chất thải nhựa”.
Tuy nhiên, với các thiết bị y tế đặc thù, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Bệnh viện vẫn phải sử dụng theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc. Nam Sudan là một quốc gia đang gặp vấn nạn trầm trọng về ô nhiễm môi trường. Do đó, bên cạnh tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, việc Việt Nam hướng đến xây dựng bệnh viện không rác thải nhựa có tác dụng lan tỏa tích cực tinh thần chung tay bảo vệ môi trường cho cả Phái bộ cũng như tới các quốc gia khác có cán bộ, chiến sĩ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở châu Phi.
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cũng như Chính phủ các nước, trong đó đặc biệt có Chính phủ Australia. Cam kết của Chính phủ Australia là đảm bảo vận tải đường không cho toàn bộ lực lượng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 vào năm 2018 và năm 2019 là toàn bộ lực lượng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2.
“Điều đấy có nghĩa là thực hiện các chuyến bay thử nghiệm từ Việt Nam sang Nam Sudan, các chuyến bay hậu cần từ Australia sang Việt Nam để chuẩn bị các vấn đề kỹ thuật và hai chuyến bay chính thức từ Hà Nội sang Nam Sudan. Như vậy đường bay của họ có thể tính là 4 chuyến bay cho mỗi một lần chuyển quân, cả đi và về”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.