Sáng 6/7, đang vào mùa mưa nhưng nước của con suối Bà Tài chảy qua ấp Nghi Lộc và Đông Linh, xã Bình Giã lại có rất nhiều bọt và màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối.
Lần theo dòng chảy của con suối tới phía sau bức tường của trang trại nuôi lợn Hoa Anh Đào, không quá khó để phát hiện 2 đường ống nhựa màu xanh nằm ẩn trong đám cỏ. Hai ống nhựa màu xanh này được nối trực tiếp từ bể nước thải của trang trại Hoa Anh Đào ra thẳng con suối Bà Tài.
Chui qua hàng rào dây kẽm gai, "đập vào mắt" là 2 bể nước lắng lọc nước thải sau xử lý nhưng chỉ có một đường ống nhỏ có nước chảy ra đây. Còn lại phía trên mặt đất là 3 đường ống nhựa được nối trực tiếp từ trong trang trại, trong đó có 2 ống được đưa trực tiếp ra con suối Bà Tài. Phần ống còn lại được che bởi một tấm bạt đen phía cuối đường ống. Phần cuối ống nhựa màu xanh được đưa ra sát dòng suối Bà Tài còn nguyên dấu tích đọng lại trên đám cỏ là nước thải của lợn, hôi thối, đen ngòm.
Điều đáng nói con suối Bà Tài ngay phía trên nơi phóng viên phát hiện các ống nhựa xanh nước lại rất trong, không có mùi hôi thối.
Ông Đặng Đình Khôi, ấp Đông Linh, xã Bình Giã, huyện Châu Đức cho biết: Gia đình ông có 4.000 m2 đất ruộng lúa và 3.000 m2 đất trồng ngô ngay gần suối Bà Tài. Từ nhiều năm trước gia đình sống chủ yếu nhờ canh tác lúa và bắp, nguồn nước để canh tác lúa và hoa màu lấy từ suối Bà Tài, với mỗi năm 3 vụ lúa (mỗi vụ lúa khoảng hơn 3 tấn) và thêm 2 vụ ngô/năm. Thế nhưng, khoảng hơn 3 năm nay gia đình đành phải bỏ hoang ruộng lúa chuyển qua trồng tràm, vì không thể lấy nước từ suối Bà Tài để tưới tiêu cho đồng ruộng. Còn 3 sào ngô, gia đình ông chỉ trồng được vào mùa mưa. Không có nước để tưới tiêu sản xuất lúa, gia đình phải đi làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày, trong khi đó đất thì bỏ hoang.
Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự đối với gia đình anh Đặng Hoàng Phong, ấp Đông Linh, xã Bình Giã với 4.000 m2 đất trồng lúa và 3.000 m2 trồng tiêu, hoa màu. Anh Đặng Hoàng Phong cho biết, các hộ gia đình ở đây đều phụ thuộc vào nguồn nước của con suối Bà Tài nhưng đến nay người dân không thể lấy nước từ con suối này để tưới tiêu. Vì, hầu hết người dân lấy nước từ suối tưới cho lúa, cây tiêu và cây hoa màu lúc đầu cây rất tốt, sau một thời gian thì cây chết hàng loạt khiến người dân bị thiệt hại nặng nề. Đến nay, hầu hết người dân sát con suối Bà Tài đều phải bỏ hoang ruộng lúa. Gia đình anh Đặng Hoàng Phong cũng phải bỏ hoang diện tích đất canh tác cách đây khoảng 3 năm vì không thể sản xuất được.
“Nhiều người dân ở đây rất bức xúc vì có ruộng mà không thể làm, phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền mua gạo”, anh Đặng Hoàng Phong bức xúc cho biết.
Cũng theo phản ánh của người người dân bị ảnh hưởng, trước đây dòng suối Bà Tài rất trong lành, là nơi bà con thường bắt cua, cá sau mỗi giờ ra đồng. Nhưng đến nay thì không còn thấy bóng dáng con cua, cá nào sót lại. Dòng suối chảy qua ấp Nghi Lộc và Đông Linh lúc nào cũng trong tình trạng nước có màu đen ngòm, hôi thối, ai không biết rửa tay chân tại dòng suối này sẽ bị ngứa ngáy, ghẻ lở.
Đến nay, có khoảng hơn 20 hộ dân với khoảng 15 ha ruộng lúa, hoa màu bị ảnh hưởng trực tiếp từ ô nhiễm dòng suối Bà Tài.
Không những thế, con suối Bà Tài này chảy qua xã Bình Trung và chảy ra đập Sông Ray thuộc xã Xuân Sơn. Theo tìm hiểu của phóng viên thì đập Sông Ray này chảy về hồ Đá Đen (nơi cung cấp nơi nước sinh hoạt cho người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và chảy về các kênh mương trên toàn địa bàn tỉnh.
Thế nhưng, cũng theo các hộ dân, trước tình trạng ô nhiễm này, trước đây người dân gửi đơn phản ánh lên chính quyền xã Bình Giã và UBND xã Bình Giã cũng đã cử cán bộ Tài nguyên và Môi trường xuống hiện trường xem xét và ghi nhận hiện tượng nhưng sau đó không thấy chính quyền địa phương có hướng xử lý. Thời gian gần đây, các hộ dân cũng đã gửi đơn phản ánh lên UBND xã Bình Giã nhưng lại “bặt vô âm tín” không được giải quyết khiến người dân càng thêm bức xúc.
Trước phản ánh của người dân, phóng viên TTXVN đã trao đổi vấn đề này với chính quyền xã. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giã, Hồ Văn Đức cho biết về công tác tại UBND xã Bình Giã từ năm 2017 đến nay nhưng chưa một lần nhận được phản ánh của người dân tại ấp Nghi Lộc và Đông Linh về tình trạng xả thải của trang trại nuôi lợn Hoa Anh Đào và cũng chưa nắm được việc trang trại này xả thải trực tiếp ra môi trường.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giã, Hồ Văn Đức cho biết: Hàng năm, địa phương, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Đức, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tiến hành kiểm tra và không phát hiện trang trại này xả thải.
Trước những hình ảnh, video phóng viên cung cấp, ông Hồ Văn Đức cho biết, sẽ báo cáo lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Đức tiến hành kiểm tra việc xả thải tại trang trại này.
Trao đổi với phóng viên vào chiều 7/7, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Đức Phạm Quý Nhân cho biết, ngay sau khi nhận thông tin phản ánh từ phóng viên, lãnh đạo UBND huyện Châu Đức đã yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường cử người xuống kiểm tra thực tế và ghi nhận đúng như phóng viên phản ánh. Đại diện tại cơ sở trang trại Hoa Anh Đào giải trình do phía trang trại đang sửa chữa hệ thống hầm biogas, xây dựng một hệ thống xử lý nước thải sau biogas, đang quá trình thi công chuẩn bị lắp đặt máy móc nên đã để xảy ra tình trạng nước thải xả trực tiếp ra môi trường, cụ thể là dòng suối Bà Tài.
Ông Phạm Quý Nhân cho biết thêm, phía Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã yêu phía chủ cơ sở trang trại khắc phục và đẩy nhanh tiến độ công trình để không xảy ra tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường gây bức xúc cho người dân. Nếu trường hợp phía chủ cơ sở tiếp tục vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Được biết, trang trại chăn nuôi lợn Hoa Anh Đào, nằm trên địa bàn thôn Nghi Lộc, xã Bình Giã, huyện Châu Đức được hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2016, với diện tích trang trại khoảng 10.000 m2, thời gian hoạt động của dự án này là 50 năm, do ông Lê Quang Bửu có địa chỉ tại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện pháp luật. Quy mô trang trại chăn nuôi 3.100 con lợn nái và lợn thịt, trong phần quy mô dự án có hệ thống xử lý nước thải, ao hồ sinh thái, tuy nhiên, không hiểu vì sao trang trại chăn nuôi này đã “bức tử” dòng suối Bà Tài, gây thiệt hại lớn trong sản xuất của người dân, gây bức xúc trong một số bộ phận người dân tại ấp Nghi Lộc và Đông Linh.