Chợ đêm phố cổ Hà Nội – “chợ phiên” đặc biệt giữa lòng phố cổ từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc, thu hút người dân Thủ đô và du khách thập phương, quốc tế mỗi dịp cuối tuần. Tuy nhiên, sau mỗi đêm phiên chợ diễn ra, khi các ki ốt bán hàng thu dọn, cảnh rác thải vứt bừa bãi trên các tuyến phố không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, mà còn khiến dư luận bức xúc.
Chợ đêm phố cổ Hà Nội nằm trên các tuyến phố kéo dài gần 3km từ phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường đến cổng chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm). Bất kể thời tiết mưa nắng, từ 18 - 23 giờ các tối thứ 6, thứ 7, chủ nhật hàng tuần, các hộ kinh doanh đủ các mặt hàng lại dựng các ki ốt bán hàng san sát nhau dưới lòng đường, trên vỉa hè, thu hút người dân, du khách đến mua sắm, tham quan.
Video nhếch nhác rác thải sau những phiên chợ đêm phố cổ:
Chợ đêm phố cổ Hà Nội quy tụ gần 4.000 gian hàng, bày bán đủ loại sản phẩm, từ đồ gia dụng, quần áo, đồ chơi, đồ lưu niệm, đến đồ thủ công mỹ nghệ, đồ ăn uống… với giá tương đối bình dân, phù hợp với túi tiền của nhiều người khi đến đây, nên từ lâu đã trở thành địa điểm lưu giữ, giao lưu văn hóa với khách trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, khi phiên chợ kết thúc lúc 23 - 24 giờ, các ki ốt bán hàng đóng cửa, thu dọn hàng hóa, thì dưới lòng đường, trên vỉa hè các tuyến phố chợ đêm lại tràn lan rác thải các loại vứt bừa bãi. Mặc dù chỉ sau đó ít phút, các công nhân môi trường ở cơ sở bắt đầu quét dọn, song cảnh tượng này không khỏi gây ra cái nhìn phản cảm, ấn tượng xấu, đặc biệt là đối với du khách, nhất là khách nước ngoài.
Rác thải chủ yếu gồm các loại túi nilon, cốc nhựa dùng một lần, chai lọ… bị không ít du khách đi chợ, nhất là các "nam thanh, nữ tú" và các hộ kinh doanh thiếu ý thức, tiện tay thải ra, mặc dù chính quyền cơ sở và các đơn vị vệ sinh môi trường đã bố trí các thùng bỏ rác, phân loại rác tại nhiều vị trí trên các tuyến phố chợ đêm.
Nhiều công nhân vệ sinh môi trường đô thị tại đây phản ánh, lượng rác thải lớn đa phần do người dân, du khách đi chơi chợ và các hộ kinh doanh vô tư vứt xuống đường, mà không bỏ đúng nơi quy định. Thậm chí, sau nhiều phiên chợ đêm kết thúc, lượng rác thu gom gấp nhiều lần so với ngày thường, khiến công nhân phải dọn dẹp cật lực đến 2 - 3 giờ sáng mới hết.
Qua tìm hiểu, phong trào “Chống rác thải nhựa” của UBND quận Hoàn Kiếm, phường Hàng Đào, nơi có các tuyến phố chợ đêm diễn ra đến nay đã thu hút nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực phố cổ Hà Nội, với nhiều mô hình, cách làm hay, góp phần thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy... như: Vận động các hộ kinh doanh, người dân cam kết, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa, túi ni lông, phân loại rác thải tại nguồn... Song, do không được tuyên truyền thường xuyên, tình trạng vứt rác thải bừa bãi đang có chiều hướng tái diễn, gia tăng.
Đáng quan ngại là tình trạng mất vệ sinh do cả người bán và người mua; tình trạng lấn chiếm vỉa hè của các hộ kinh doanh hàng ăn uống, các sạp hàng "cóc"; sự xô bồ, lộn xộn, thiếu ý thức đi lại trong phiên chợ... đã và đang gây ảnh hưởng bộ mặt chợ đêm phố cổ, làm phiền lòng du khách, cũng như trở thành nỗi trăn trở với những ai nặng lòng với Hà Nội.
Thực tế này, đòi hỏi các cấp chính quyền cơ sở cần có các giải pháp tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức tự giác đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị, an ninh trật tự thường xuyên hơn người dân, các hộ kinh doanh, du khách khu vực chợ đêm; đồng thời, tăng cường các biển báo, chỉ dẫn để mọi người cùng thực hiện, hạn chế tình trạng xử lý kiểu "bắt cóc, bỏ đĩa".