Rừng đặc dụng Phong Quang có diện tích hơn 8.000 ha, thuộc địa phận các xã Minh Tân, Phong Quang, Thuận Hòa, Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Rừng có hệ thực vật đa dạng và được coi là “vựa” nghiến lớn của tỉnh Hà Giang. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa rừng nhưng những tháng gần đây, rừng đặc dụng Phong Quang vẫn ngày đêm bị chặt phá.
Cách Quốc lộ 4C từ thành phố Hà Giang đi Cao nguyên đá Đồng Văn, đoạn từ km 17 rẽ vào men theo đường mòn rải đá cấp phối xuyên thẳng vào trong rừng khoảng 4 đến 5 km, phóng viên có mặt tại khu Lũng Chuối II, thôn Lùng Thiềng, thuộc xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên.
Đây là nơi lực lượng chức năng phát hiện 3 cây gỗ nghiến cổ thụ mới bị chặt hạ trái phép. Các cây gỗ nghiến cổ thụ có đường kính lớn, bị cưa thành nhiều khúc. Một phần của thân cây dài đã bị xẻ mang đi. Hiện trường còn ngổn ngang những tấm ván bìa bị xẻ và những lớp mùn cưa dày phủ bên cạnh.
Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn các thôn Hoàng Lỳ Pả, Phìn Sảng, Lùng Thiềng, xã Minh Tân thuộc rừng đặc dụng Phong Quang đã liên tiếp xảy ra các vụ khai thác lâm sản gỗ nghiến nhóm IIa trái phép với khối lượng lớn. Từ ngày 2 đến 4/3/2018, lực lượng chức năng phát hiện 7 cây gỗ nghiến cổ thụ bị chặt hạ, khối lượng trên 142 m3.
Nhận được phản ánh của quần chúng nhân dân, ngày 11/7/2018 các lực lượng chức năng lại phát hiện 3 cây gỗ nghiến nhóm IIa bị chặt hạ với khối lượng trên 12 m3. Đặc biệt, ngày 14/8/2018, có 5 cây gỗ nghiến nhóm IIa bị chặt hạ trái phép tại thôn Hoàng Lỳ Pả và thôn Lùng Thiềng, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên với khối lượng 95 m3.
Trong gần 10 tháng của năm 2018, đã có rất nhiều vụ chặt hạ gỗ nghiến cổ thụ nhóm IIa xảy ra ở rừng đặc dụng Phong Quang nhưng các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang vẫn chưa xác định được thủ phạm của nhiều vụ việc. Trong khi đó các cây gỗ nghiến cổ thụ nhóm IIa bị chặt hạ đều chỉ vận chuyển bằng một con đường độc đạo, cách quốc lộ và trụ sở Hạt Kiểm Lâm và Ban Quản lý rừng đặc dụng Phong Quang không xa.
Tại cuộc họp diễn ra chiều 15/10, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, UBND huyện Vị Xuyên, Chi cục Kiểm lâm và UBND xã Minh Tân đã báo cáo UBND tỉnh về tình trạng khai thác lâm sản trái phép tại rừng đặc dụng Phong Quang.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang thẳng thắn cho rằng để xảy ra các vụ chặt hạ cây nghiến cổ thụ nhóm IIa với số lượng lớn cần phải xem xét, làm rõ trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng đặc dụng Phong Quang, UBND huyện Vị Xuyên và xã Minh Tâm, nhất là kiểm lâm địa bàn.
Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của kiểm lâm phụ trách địa bàn được phân công phụ trách. Đặc biệt, Ban Quản lý rừng đặc dụng Phong Quang cần nhận rõ trách nhiệm trong công tác tham mưu, triển khai nhiệm vụ, đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên khu rừng được giao quản lý...
Trước tình trạng phá rừng đặc dụng Phong Quang như trên và để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW… cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang.