Trong chuyến công tác đến xóm X thuộc xã Bình Lãng, nơi đồng bào Dao chiếm đa số dân, trưởng xóm Triệu D.T. cho biết: "Nhiều năm nay, ở xóm không có trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...". Tuy nhiên, đáng tiếc là vị trưởng xóm này đã che dấu sự thật.
Bản thân gia đình trưởng xóm T. cũng có tới 3 người con tảo hôn. Hai con gái đã lấy chồng sớm, ra ở riêng, chỉ còn con trai và con dâu sống cùng bố mẹ. Nhìn vợ chồng người con trai trẻ măng, ríu rít trò chuyện trong bếp, chúng tôi hiểu ngay câu chuyện.
Quả nhiên, qua vài câu chuyện xã giao, cô bé Bàn M.D, con dâu trưởng xóm T. đã cho biết: "Em sinh năm 2000, còn chồng em sinh năm 1998, chúng em yêu nhau và tổ chức cưới từ năm 2015". Hỏi các em có biết như thế là tảo hôn, vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình không, em D. chỉ cười không nói gì.
Trưởng xóm Triệu D.T. muốn giấu việc gia đình cho con tảo hôn hay không biết kết hôn ở lứa tuổi này là tảo hôn, là ảnh hưởng đến sức khỏe con trẻ và còn bao nhiêu trường hợp ở xóm cũng đã tảo hôn, chúng tôi không rõ vì không có số liệu báo cáo. Chỉ biết rằng, tình trạng tảo hôn ở Bình Lãng đã tồn tại nhiều năm nay và vẫn đang diễn ra, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Em Triệu Mùi Chài, học sinh lớp 8 Trường Trung học cơ sở xã Bình Lãng đã lấy chồng là Triệu Văn Thông, học sinh lớp 6 ở cùng trường từ năm 2014. Em Chài tâm sự: "Bố mẹ bắt em lấy chồng sớm, em biết như thế là không tốt, nhưng không thay đổi được quyết định của bố mẹ. Trong xóm có nhiều bạn lấy chồng rồi bỏ học, em còn may vì vẫn được đi học".
Trường hợp kết hôn sớm như em Triệu Mùi Chài không phải hiếm gặp ở Bình Lãng, nhưng lấy chồng mà vẫn còn đi học thì khá hiếm. Cô giáo Trần Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở xã Bình Lãng cho biết: "Mỗi năm, trường có 3 - 4 trường hợp học sinh kết hôn sớm".
Có trường hợp, 2 em đang học lớp 6 đã kết hôn. Năm học này, trường có 3 học sinh mới kết hôn, trong đó có 2 trường hợp đã bỏ học. Nhà trường thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động phụ huynh và học sinh không kết hôn sớm, nhưng do tập quán đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân nên rất khó thay đổi.
Có trường hợp trưởng xóm mời thầy cô đến dự đám cưới của con họ chính là học sinh nhà trường, thầy cô rất khó xử, nếu đến dự đám cưới thì đồng nghĩa với việc đồng thuận cho tảo hôn, nếu không đến thì không còn tình nghĩa.
Theo ông Triệu Văn Cản, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Lãng, mỗi năm xã có trên 10 cặp tảo hôn và một vài cặp hôn nhân cận huyết thống. Nhưng thực tế còn nhiều hơn, nhất là ở các xóm vùng sâu, vùng xa của người dân tộc Mông, Dao.
Trước tình hình đó, xã đã tích cực tuyên truyền các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình nhằm giúp người dân biết rõ độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, hậu quả kết hôn cận huyết thống. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở một số xóm vùng sâu, vùng xa vẫn xảy ra.
Bà Cam Thị Nhung, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng tảo hôn xuất phát từ cách nghĩ, thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với họ, việc cưới vợ cho con cái cũng đồng nghĩa với việc trong nhà sẽ có thêm người làm nương, có thêm người cáng đáng việc gia đình.
Do đó, việc cưới con dâu về nhà được thực hiện càng sớm càng tốt. Mặt khác, do phong tục lạc hậu, sự hiểu biết về pháp luật cũng như nhận thức về hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của người dân còn nhiều hạn chế.
Thêm vào đó, người dân sống ở những nơi hẻo lánh, biệt lập, anh em họ hàng gần gũi nhau trong công việc, sinh hoạt làm nảy sinh tình cảm nên thường xảy ra tình trạng kết hôn gần, cận huyết thống.
Hậu quả việc kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết thống từ lâu đã xảy ra trong cộng đồng với những tác động lâu dài và vô cùng nghiêm trọng. Chất lượng dân số tương lai sẽ bị đe dọa khi những đứa trẻ không được nuôi dưỡng tốt, sinh ra với tỷ lệ suy dinh dưỡng cao và mang nhiều bệnh hiểm nghèo.
Các bà mẹ ở độ tuổi vị thành niên bị ảnh hưởng nặng nề sau khi kết hôn và quá trình sinh con, từ đó rất dễ phát sinh mâu thuẫn gia đình, do ở độ tuổi này, các em chưa kịp chuẩn bị cả về tâm lý và sức khỏe.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, cùng với việc kiên trì tuyên truyền vận động, xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí, tập trung cho người dân nhất là người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, từ đó người dân nhận thức rõ hơn hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...