Chờ mưa và lụt
Ông Hồ Xuân Đài (76 tuổi, KP Đông Phước 2, Thủy Biều) giải thích về danh xưng Thủy Biều: là bởi mùa lũ, Thủy Biều như cái bầu đầy nước lũ từ sông Hương, mang phù sa nuôi lớn cây thanh trà cho trái mọng nổi tiếng của địa phương. Cứ tháng 10 - 11 dương lịch, lũ mang phù sa bồi đất tốt tươi trở lại sau vụ thu hoạch thanh trà vào tháng 8. “Ấy thế, gần 10 năm nay, Thủy Biều không có một cơn lũ nào. Mà mấy giếng làng tụi tôi hay lấy nước để tưới thanh trà cũng trơ đáy” - ông Đài nói.
Du khách ngâm chân bằng lá thảo mộc sau chuyến thăm thú cảnh quan Thủy Biều bằng xe đạp. |
Để đối phó, 5 năm nay, sau vụ thu hoạch thanh trà, ông Đài thuê xe chở đất bồi từ bờ sông Hương về vun vườn. Giếng làng trơ đáy nên ông… chờ trời mưa. Đất bồi đâu chở được nhiều nên năm nay ông… chờ lụt.
Người trồng thanh trà ở Thủy Biều đều như ông Đài, đang chứng kiến tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến giống cây nuôi sống mình: 10 năm nay, thanh trà khó đậu quả, ít trái, bệnh xì mủ, thối rễ hoành hoành. Qua thống kê của UBND phường Thủy Biều, sản lượng thanh trà ở Thủy Biều giảm dần qua từng năm. Ông Võ Trần Tuấn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Biều nói: “Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng quá rõ, nhưng người dân Thủy Biều vẫn chưa thích ứng được với chuyện này. Bởi thiếu vốn đầu tư chăm sóc nên mặc dù đã tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, hầu hết người dân vẫn không áp dụng các biện pháp thâm canh. Dẫn đến thanh trà dần kém chất lượng, khó khăn trong tìm kiếm đầu ra, vốn tiếp tục thiếu trong lúc vật tư nông nghiệp đua nhau tăng giá, thanh trà mỗi năm lại kém chất lượng. Cần phải có mô hình kinh tế mới để thoát khỏi vòng lẩn quẩn này” - ông Hưng nói.
Nông dân làm du lịchThủy Biều có đình làng Lương Quán, đình Nguyệt Biều, di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré, Thành Lồi… cùng trên 500 ngôi nhà cổ, nhà vườn. Và có thanh trà làm nên danh xưng “thanh trà Huế”. Hơn 800 hộ trồng thanh trà trên tổng diện tích gần 200 ha đã tạo nên một cảnh quan xanh hiếm có. Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục châu Á cho thanh trà. “Lâu nay, thu nhập của người dân từ thanh trà chỉ qua việc bán trái. Tại sao không sử dụng chính cảnh quan của thanh trà để tạo thu nhập bằng việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng” - ông Võ Trần Tuấn Hưng bày tỏ.
Ông Đài (đứng giữa) cùng du khách chụp ảnh lưu niệm trong vườn thanh trà. |
Ngày 5/5/2008, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra Quyết định số 1052 – QĐ/UBND về phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực du lịch Thủy Biều. Ông Hưng cho biết, sau quy hoạch được công bố, Thủy Biều thu hút nhiều dự án du lịch như dự án của Công ty TNHH Du lịch và Nghỉ dưỡng Sinh thái Huế, Khu du lịch 5 sao Làng Việt... Để người dân hưởng lợi từ du lịch, từ tháng 3/2013, Hội Nông dân phường xúc tiến mô hình du lịch cộng đồng khởi đầu bằng việc mở “Tour du lịch khám phá Thủy Biều”; theo đó, Hội Nông dân liên hệ với các công ty lữ hành dẫn khách về Thủy Biều; Hội sẽ trích một phần tiền thu được cho các nhà được du khách tới tham quan vườn thanh trà, khuyến khích người dân mở các dịch vụ ẩm thực, massage... Để đẩy mạnh hoạt động này, Hội tổ chức nhiều lớp tập huấn kĩ năng du lịch cho người dân; năm 2014, phường đã đăng kí nhãn hiệu thanh trà Huế với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Bữa cơm trưa của du khách trong chuyến tham quan. |
Vườn nhà ông Hồ Xuân Đài rộng hơn 1.000 m2, có hơn 30 thân thanh trà. Khi mô hình du lịch cộng đồng được triển khai, ông sắm 6 chiếc xe đạp để du khách đạp xe thăm thú Thủy Biều. Trở về, ông cho du khách ngâm chân bằng bài thuốc từ lá cây trong vườn. Nhà ông có nghề làm kẹo mè, ông bảo khách làm theo. Sáng, vợ ông đã đạp xe ra chợ mua đồ đãi khách cơm trưa, là những món ăn mít trộn, cá kho tộ… rồi tráng miệng bằng trái thanh trà mọng nước, ngọt thanh. Mỗi tháng có đến 20 - 30 đoàn với trung bình 500 khách đến nhà ông. “Anh thấy đấy, rau trong vườn, cá ngoài chợ, mọi thứ có sẵn. Với tôi, kinh doanh mà không kinh doanh, chỉ là chuyện nhà có thêm khách mà thôi” - ông Đài nói.
Thế nhưng, cả Thủy Biều đến giờ chỉ có thêm một hộ nữa là làm du lịch kiểu như ông Đài. Người dân không muốn tham gia dịch vụ ẩm thực, massage… mà chỉ dừng lại ở việc cho khách tham quan vườn tược. Ông Đài bày tỏ: “Là do tâm lí khép kín của người Thủy Biều. Họ chỉ cho khách tham quan vườn, bởi họ nghĩ nếu tham quan khu thờ tự sẽ động đến ông bà, nhà thờ chỉ để thờ tự chứ không phải làm du lịch. Tôi thì nghĩ quan trọng ở chỗ cách mình làm thế nào, chỉ là chuyện nhà có thêm khách mà thôi”.
Du khách thích thú với tiết mục làm kẹo mè. |
Từ khi làm du lịch, ông Đài ý thức hơn trong việc cải tạo vườn tược, tu sửa nhà cửa. Và từ khi Hội Nông dân phường Thủy Biều mở “Tour du lịch khám phá Thủy Biều”, mỗi ngày có hơn 10 đoàn khách du lịch đến Thủy Biều. Người dân bán thanh trà với giá cao hơn khi bán trực tiếp cho du khách mà không qua thương lái. Đầu ra ổn định dần. Ông Võ Trần Tuấn Hưng cho biết, cũng nhờ du lịch, giá thanh trà đã tăng từ 15.000/kg vào năm 2008 lên 45.000/kg trong năm nay. Nhờ có thêm vốn từ làm du lịch, người dân đã bắt đầu áp dụng các biện pháp thâm canh. Từ đó, tổng giá trị thu hoạch thanh trà trên địa bàn phường trong năm 2008 là 14 tỷ đồng thì trong năm 2015 đã đạt đến gần 20 tỷ đồng. Trong tháng 9 vừa qua, phường Thủy Biều đã tự tin tổ chức “Lễ hội thanh trà phường Thủy Biều lần thứ V” với tiêu chí nếu thanh trà không đảm bảo chất lượng thì không được trưng bày tại lễ hội.
“Như vậy, ích lợi từ việc làm du lịch đã quá rõ. Hội Nông dân sẽ tiếp tục vận động người dân tham gia thêm các dịch vụ ẩm thực, massage… Vừa rồi, Hội đã kí kết với một công ty lữ hành về một dự án du lịch cộng đồng trên địa bàn phường, có dịch vụ lưu trú, câu cá, trồng rau, tham quan vườn thanh trà… Dự án này được triển khai vào cuối năm nay sẽ là mô hình mẫu để người dân học tập” - ông Hưng nói.