Khi đất lúa trở thành đất hoang
Có mặt tại xã Triệu An, chúng tôi có thể dễ dàng nhận thấy những hồ nuôi tôm có mặt bất cứ mọi nơi. Hồ tôm ngay sát bên ruộng lúa hay ngay trong vườn nhà đã không còn xa lạ với người dân nơi đây nữa.
Dẫn chúng tôi quanh thôn Tường Vân nơi có diện tích nuôi tôm tự phát trong khu dân cư cao nhất xã, ông Trần Văn Sằn, Phó Trưởng thôn tâm sự, trước đây vùng đất này rất trù phú và màu mỡ. Lúa và các loại cây ngắn ngày như mướp, sắn, khoai, ớt, rau… được mùa quanh năm. Thế nhưng, những năm trở lại đây do phong trào nuôi tôm tự phát, hồ tôm mọc nhan nhản khắp nơi khiến đất đai của thôn bị nhiễm mặn. Nhiều diện tích lúa bị nhiễm mặn phải bỏ hoang không canh tác được đã gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Theo thống kê sơ bộ, thôn Tường Vân có khoảng 38/80 ha ruộng lúa bị bỏ hoang hoàn toàn. Đồng thời, đất sản xuất nông nghiệp trong khu dân cư cũng bị nhiễm mặn, có những vùng hoàn toàn không thể trồng cây ngắn ngày hoặc trồng cây không có hiệu quả. Nếu tình trạng này kéo dài thì sau này người dân sẽ rất khó khăn trong việc thiếu đất sản xuất nông nghiệp.
Theo người dân địa phương, tình trạng ồ ạt đào hồ nuôi tôm trong khu dân cư diễn ra phổ biến khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Do ban đầu các hồ nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác nên phong trào diễn ra rầm rộ. Nhiều hộ gia đình đào ao, lót bạt nuôi tôm sú và thẻ chân trắng khắp mọi nơi. Tại khu vực đồng ruộng trung tâm của thôn Tường Vân, đất ở đây đang bị bỏ hoang do bị nhiễm mặn rất nặng. Khoảng 9 ha đất bỏ không, nứt nẻ, phía trên mặt có những lớp muối trắng nhỏ đọng lại.
Khu vực này trước đây được trồng lúa nước với năng suất cao nhưng đã bị nhiễm mặn nên giờ đây không thể canh tác. Chỉ vào mảnh ruộng bỏ hoang trước mặt ông Sằn nói: " Nếu tình trạng nuôi tôm tự phát này còn kéo dài thì hậu quả sau này không chỉ vùng đất này mà những vùng đất khác cũng sẽ không thể canh tác được. Mong rằng các cấp chính quyền sớm triển khai các giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời".
Người dân khát nước sạch
Việc xâm nhập mặn do tình trạng nuôi tôm tự phát trong khu đồng ruộng và dân cư cũng đã khiến nguồn nước của nhiều gia đình bị nhiễm mặn, nhiễm phèn không thể sử dụng. Cũng giống 194 hộ gia đình khác trong thôn An Xuân, gia đình chị Nguyễn Thị Bông, cũng đang trong cơn quay quắt “khát nước sạch”. Sống trong vùng ảnh hưởng của hồ nuôi tôm tự phát trong khu dân cư, để có nước dùng trong sinh hoạt chị Bông phải lấy nước bị nhiễm mặn và phèn từ giếng khoan lên sau đó đổ vào bể lọc nước bằng đất thủ công để dùng. Muốn có nước để ăn, uống, nấu nướng gia đình chị phải mua nước đóng bình để sử dụng. Không chỉ gia đình chị mà hầu hết các gia đình sống quanh các hồ tôm tự phát đang cũng ở trong tình trạng tương tự.
Chị Bông cho biết, gia đình khoan giếng 3 địa điểm khác nhau trong vườn nhà đều không được do nước bị nhiễm mặn và phèn. Một ngày trung bình gia đình phải bỏ ra 30.000 đồng để mua nước. Thu nhập bấp bênh khiến cuộc sống của gia đình nói riêng và bà con trong vùng nói chung rất khó khăn. Mong muốn lớn bức thiết nhất của người dân thôn Tường Vân là cấp trên sớm xem xét, tạo điều kiện để bà con sớm có nguồn nước sạch sinh hoạt ổn định, lâu dài.
Việc đào hồ lót bạt nuôi tôm trên diện tích đất lúa, hoa màu, trong khu dân cư không chỉ sai phạm về mục đích sử dụng đất, mà còn làm phát sinh ô nhiễm môi trường khiến nhiều hộ dân rất bức xúc. Do việc nuôi tôm tự phát diễn ra manh mún, nhỏ lẻ không có quy hoạch dẫn đến quá trình xả thải bữa bãi ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của khu dân cư trong vùng phụ cận. Nước thải chưa qua xử lý tại các hồ thông qua các đường ống được đổ thẳng ra ngoài môi trường bốc mùi hôi thối.
Chỉ vào dòng nước đen ngòm ở tuyến mương ngay sát nhà, ông Ngô Văn Hai (66 tuổi), thôn An Xuân, xã Triệu An nói, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí và nguồn nước thải từ các hồ tôm đổ ra kênh mương khiến gia đình ông và các hộ sống trong khu vực này rất bức xúc. Mặc dù đã kiến nghị với chính quyền địa phương rất nhiều lần nhưng tình trạng này vẫn kéo dài chưa được xử lý.
Cùng với đó, đất bị nhiễm mặn khiến bà con i phải “gồng mình” mua nước sạch với giá 150.000 đồng/m3. Đối với người dân thì đó là số tiền không nhỏ mà mỗi gia đình phải chi trả hàng ngày. Mong rằng, chính quyền địa phương sớm có phương án kiên quyết xử lý để người dân yên tâm sinh sống.
Theo UBND xã Triệu Lăng, hiện toàn xã có khoảng 67 ha nuôi tôm thẻ chân trắng; trong đó, phần lớn chủ yếu trồng trên đất hoa màu, đồng ruộng của 5 thôn. Những diện tích đất trước đây nuôi tôm trước kia nay không nuôi nữa hiện tại không thể trồng hoa màu do bị nhiễm mặn nghiêm trọng.
Ông Hoàng Châu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Triệu An cho biết, do tình trạng nuôi tôm tự phát trong khu dân cư nên nhiều diện tích đất trên địa bàn bị nhiễm mặn, địa phương cũng đã phối với các ngành chức năng tìm nhiều giải pháp. Tuy nhiên, do giai đoạn đầu nuôi tôm rất phát triển do hiệu quả từ việc nuôi tôm mang lại nên ồ ạt nuôi. Mặc dù chính quyền địa phương đã khuyến cáo bà con nuôi tôm trong khu dân cư sẽ dẫn đến tình trạng nhập mặn nhưng bà con không nghe nên đến nay vùng này bị nhiễm mặn.
Tình trạng nuôi tôm tự phát ở khu vực không chỉ diễn ra ở xã Triệu An, mà còn xảy ra ở nhiều xã bãi ngang khác của huyện Triệu Phong và huyện Hải Lăng như xã Triệu Vân, xã Triệu Lăng, xã Hải An... Phần lớn diện tích nuôi tôm tự phát này đang được triển khai trên đất trồng hoa màu, trong khu dân cư không đúng quy hoạch. Điều đó đã gây ra hệ lụy rất lớn khiến nhiều diện tích đất trồng lúa, hoa màu không thể canh tác được do nhiễm mặn, phèn. Cùng với đó, việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm, bơm nước mặn vào ao hồ nuôi tôm đã khiến nhiều hộ dân vùng biển bãi ngang lâm vào cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng đang rất cần có giải pháp mang tính bền vững, lâu dài.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, phong trào nuôi tôm tự phát diễn ra trong giai đoạn 2000 - 2005 trở lại đây. Nuôi tôm mang lại lợi nhuận cao giúp cho nhiều hộ dân vươn lên làm giàu dẫn đến tình trạng nuôi tôm phá vỡ quy hoạch, một số chủ hộ nuôi tôm tận dụng quỹ đất trong vườn để nuôi tôm.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, việc nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát của người dân đã khiến một số vùng nuôi tôm bị phá vỡ quy hoạch, không tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, tự ý khoan giếng khai thác nước mặn hoặc bơm nước mặn trực tiếp từ sông để phục vụ nuôi tôm cũng không đúng quy định.
Những năm gần đây, Sở đã phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng từng bước xây dựng quy hoạch vùng nuôi tôm nhằm tăng cường quản lý, quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời thông báo cho người nuôi tôm. Sở cũng khuyến cáo các địa phương tăng cường quản lý và không mở rộng diện tích nuôi tôm, nhất là tôm thẻ chân trắng ở các xã vùng biển bãi ngang.Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp đào ao, khoan giếng trái phép để nuôi tôm. Đối với những diện tích đã đào ao nuôi thì địa phương tiếp tục vận động người dân nuôi đối tượng thủy sản nước ngọt khác…