Tháng 8/2022, nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống. Với người dân làng nghề, đây là một niềm vinh dự, tự hào. Kể từ đây, hoạt động ở làng nghề không chỉ đơn thuần là sản xuất mang tính kinh tế mà còn mang một giá trị văn hóa truyền thống lâu đời.
Giữ hồn, giữ lửa cho làng nghề
Nép mình bên dòng sông Cái Vồn, làng nghề làm tàu hũ ky trăm tuổi vẫn luôn tất bật "đỏ lửa" cùng năm tháng. Người dân địa phương cho biết, nghề làm tàu hũ ky đã theo chân người Hoa khi họ đến sinh cơ lập nghiệp tại xã Mỹ Hòa. Theo thời gian cùng sinh sống và lao động, làng nghề hình thành từ sự truyền dạy nghề cho nhau. Cứ như thế, nghề làm tàu hũ ky được lưu giữ và phát triển. Đến nay, làng nghề có hơn 50 hộ, trong đó 29 hộ đã vào Hợp tác xã sản xuất.
Ông Nguyễn Tấn Thậm, Chủ cơ sở sản xuất tàu hũ ky Thành Đạt cho biết, gia đình đã có hơn 30 năm làm nghề, từ khi người dân nơi đây còn lấy rơm lúa mùa làm chất đốt để nấu tàu hũ ky cho đến khi đã sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại bằng lò than. Gắn bó với nghề làm tàu hũ ky, ông đã trải qua không ít những thăng trầm và tích lũy được nhiều kinh nghiệm để phát triển nghề truyền thống mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Ông Thậm cho biết, nghề làm Tàu hũ ky ở Mỹ Hòa tồn tại chủ yếu nhờ kinh nghiệm, nghề dạy nghề, người này truyền đến người kia mà lưu giữ. Có nhà đến nay đã 2-3 thế hệ làm nghề. Chất lượng sản phẩm làm ra ngon hay không phải phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào, sự khéo léo tỉ mỉ trong từng khâu sản xuất và hơn hết là kinh nghiệm của những người thợ đứng lò.
Để tạo ra những lá, cọng tàu hũ ky vàng óng phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự chịu khó và tỉ mỉ của người thợ. Quan trọng nhất là khâu nấu nước cốt đậu và vớt tàu hũ. Nước cốt đậu nành được cho vào gần đầy các chảo và được đun liên tục. Khi đủ lửa, nước đậu sôi trên bề mặt nổi lớp bọt trắng xóa rồi hình thành nên một lớp váng. Làm nghề thủ công bằng kinh nghiệm, người thợ cảm được nhận độ nóng và bằng mắt quan sát kết hợp với việc giữ ngọn lửa vừa phải để cho ra những mẻ tàu hũ ky vàng óng, thơm lừng.
Chị Nguyễn Thị Thúy Phượng là thợ nấu tàu hũ ky ở cơ sở sản xuất tàu hũ ky Thành Đạt. Chị cho biết, điều đặc biệt trong quy trình sản xuất tàu hũ ky là công đoạn rạch vòng, vớt tàu hũ treo lên sào phơi, vắt đều phải sử dụng thuần thủ công. Những lá, cọng tàu hũ ky phải được tận dụng sức nóng của lò để phơi khô ngay trên giàn. Việc thao tác ở giàn phơi và trong không gian các lò được đun liên tục khiến người thợ chịu một sức nóng khá lớn. Phải quen nghề, họ mới có thể đứng lò suốt ca làm. "Mỗi ca lên nấu từ 18-20 giờ, người thợ phải trực liên tục để canh lửa ổn định, canh thời điểm rạch vòng và rạch đúng chiều, miếng tàu hũ mới đẹp, không bị rách. Lá tàu hũ khi lấy lên cũng phải tỉ mỉ. Sức nóng của các bếp lò và những miếng tàu hũ khó chịu lắm nhưng làm nhiều rồi lành nghề và yêu nghề luôn. Tôi làm một ca được 400.000 đồng, trang trải lo cho kinh tế gia đình và con đi học cũng ổn”.Chị Phượng chia sẻ.
Trải qua qua gần một thế kỷ tồn tại, làng nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa được duy trì, trao truyền qua nhiều thế hệ tiếp nối nhau bằng kinh nghiệm, kỹ năng của người nghệ nhân. Năm 2013, làng nghề làm tàu hũ ky Mỹ Hòa được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hũ ky Mỹ Hòa - Bình Minh”. Năm 2019, sản phẩm làng nghề được tỉnh công nhận là sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề làm tàu hũ ky là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.
Nghề làm tàu hũ ky tại xã Mỹ hòa thể hiện tính gắn kết cộng đồng. Các nghệ nhân đã cùng lưu giữ những kinh nghiệm và tri thức truyền thống quý báu của cha ông để cho thế hệ sau. Nghề làm tàu hũ ky không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa mà còn mang lại giá trị kinh tế, góp phần làm phong phú và đa dạng cho nghệ thuật ẩm thực địa phương.
Điểm đến du lịch ẩm thực và trải nghiệm
Gần 100 năm tồn tại, có những lúc khó khăn, thăng trầm nhưng làng nghề tàu hũ ky chưa bao giờ “tắt lửa”. Nghề làm tàu hũ ky đã trở thành sinh kế của cư dân địa phương. Từ chỗ thuần làm thủ công, đến nay, nghề làm tàu hũ ky đã có nhiều cải tiến trong quy trình sản xuất. Các cơ sở đã ứng dụng nhiều máy móc vào sản xuất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp giảm sức lao động, tăng sản lượng.
Người dân làng nghề đã không ngừng cải tiến, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Các cơ sở ngày càng được mở rộng hơn về quy mô sản xuất, công nghệ. Dù còn nhiều khâu phải thực hiện thủ công, với việc dần thay đổi từ lò đốt bằng rơm sang lò than, rồi lò hơi, người dân có thể chủ động trong việc điều chỉnh nhiệt độ các bếp lò, quy trình nấu nhanh hơn và người thợ đỡ vất vả hơn. Giờ đây, tàu hũ ky xã Mỹ Hòa đã được công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hũ ky Mỹ Hòa - Bình Minh”. Các cơ sở sản xuất quan tâm đầu tư về chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì và khâu đóng gói, bảo quản…để nâng cao giá trị của sản phẩm trên thị trường.
Ông Nguyễn Tấn Thậm - Chủ cơ sở sản xuất tàu hũ ky Thành Đạt cho biết, buổi ban đầu đốt bằng rơm, mỗi ngày một gia đình chỉ nấu chừng vài chảo đậu nành nguyên liệu, cung ứng ra thị trường khoảng chục ký tàu hũ ky. Đến nay, với sự hỗ trợ của máy móc thiết bị, mỗi ngày, một gia đình có thể nấu chừng 100 đến 200 chảo, cung cấp ra thị trường hơn 120 kg tàu hũ ky.
Với sự phát triển của nhu cầu xã hội, tàu hũ ky giờ đây không chỉ là món ăn thuần chay mà được ưa chuộng trong chế biến các món mặn. Xuất phát từ đó sản phẩm làng nghề cũng có nhiều loại để đáp ưng như tàu hũ ky sợi, tàu hũ ky lá, tàu hũ ky tiêu dùng ngay trong ngày… Tàu hũ ky xã Mỹ Hòa từ chỗ chỉ bán ở tỉnh Vĩnh Long đã phát triển thị trường ra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đi khắp cả nước. Trung bình mỗi ngày, làng nghề cung ứng hơn 5 tấn sản phẩm. Những ngày rằm, ngày Tết, sản lượng tăng gấp đôi.
Ông Ðinh Công Hoàng - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất tàu hũ ky xã Mỹ Hòa cho biết, cư dân ở làng nghề phấn khởi khi nghề làm tàu hũ ky được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Niềm tự hào khi xóm nghề trăm năm tuổi được vinh danh chính là động lực để người dân tiếp tục đầu tư máy móc, mở rộng thị trường, tự đổi mới mình để theo kịp nhu cầu của khách hàng. “Được công nhận là vinh dự, cơ hội nhưng cùng với sự vinh danh di sản, cần phải bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề. Những biến động của thị trường, chi phí sản xuất tăng sao, yêu cầu phải đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, hoàn thiện khâu bảo quản và mẫu mã sản phẩm…đòi hỏi người dân trong làng nghề phải luôn học hỏi và tự đổi mới mình. Cùng với đó là sự vào cuộc hỗ trợ và hướng dẫn kịp thời của các ngành, các cấp để làng nghề tiếp tục được lưu giữ cùng thời gian và phát triển hơn” - ông Đinh Công Hoàng chia sẻ.
Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng thị xã Bình Minh Lê Thanh Thuận cho biết, địa phương đã phối hợp với các ngành hỗ trợ chuyển giao công nghệ lò đốt cho người dân làng nghề, thay đổi dây chuyền sản xuất từ lò than sang lò hơi. Đồng thời, các ngành chức năng hỗ trợ làng nghề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại... Đến nay, làng nghề phát triển khá bền vững và cung cấp lượng tàu hũ ky ổn định cho thị trường, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động thường xuyên.
Thời gian tới, Phòng sẽ tập trung đề xuất và triển khai các dự án đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu vực làng nghề, hỗ trợ chuyển giao thay đổi dây chuyền, thiết bị để sản xuất ra sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao năng suất lao động. Phòng phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ, nghiên cứu kết nối hình thành các tour, tuyến du lịch. Làng nghề làm Tàu hũ ky xã Mỹ Hòa sẽ là một điểm đến để phát triển các loại hình du lịch ẩm thực và trải nghiệm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, để bảo tồn và phát huy giá trị của nghề làm Tàu hũ ky, tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là của người dân trong làng nghề về giá trị của nghề thủ công và ý thức trách nhiệm trong việc khai thác, bảo tồn vốn di sản văn hóa bền vững. Tỉnh đề nghị địa phương cần quan tâm phát triển đội ngũ thợ lành nghề, có giải pháp nâng cao trình độ, kiến thức để giúp các hộ dân làng nghề nắm bắt những kiến thức mới và nhu cầu của thị trường. Cùng với đó, các cấp, ngành cần quan tâm, định hướng hoạt động du lịch và dân sinh khác trong làng nghề phù hợp với quy hoạch của địa phương, khuyến khích người dân chủ động cùng tham gia quản lý di sản, gắn lợi ích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.