Công nhân mong thuê nhà xã hội
Khu công nghiệp Bắc Thăng Long có đến hơn 80% người ngoại tỉnh đến làm việc nên nhu cầu thuê nhà trọ rất lớn. Nhiều công nhân đã gắn bó tại đây hơn 10 năm nhưng để sở hữu một căn hộ tại khu nhà ở xã hội đối với đa số công nhân lao động là điều khó khăn và xa vời.
Chị Cù Thị Thới, quê Sơn La đang thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội được hơn 10 năm. “Ngần đấy năm là công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long nên tôi cũng trải qua nhiều lần đổi nhà trọ. Trước đây, khi còn trẻ, tôi và bạn thuê ở nhà trọ chỉ tầm hơn 10m2. Sau này lấy chồng, tôi có chuyển vài nơi với chỗ rộng hơn do có các con. Nay thuê căn phòng tầm 30m2 giá hơn 1,8 triệu đồng”, chị Thới chia sẻ.
“Với tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 20 triệu đồng, trong khi chi phí học hành cho con cái, giá cả sinh hoạt leo thang nên gần như không đủ tích luỹ để nghĩ đến mua nhà. Do đó, vợ chồng tôi cũng xác định khi nào không làm ở đây thì sẽ về quê”, chị Thới chia sẻ.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thuận, quê Thái Nguyên đang thuê căn phòng trọ nhà ông Lê Văn Thập cũng tại thôn Bầu với diện tích trên 20m2 với giá thuê 1,6 triệu đồng. “Căn hộ ở đây mới xây mới và thiết bị cũng còn mới nên giá thuê nhỉnh hơn so với nhà ở thấp tầng khác. Hiện nay, do doanh nghiệp thiếu đơn hàng nên giảm giờ làm thêm nên thu nhập cũng giảm. Vì vậy, vợ chồng tôi phải gửi con về quê để giảm chi phí sinh hoạt. Khó khăn là vậy nên chúng tôi chỉ tính đến việc thuê nhà”, anh Thuận chia sẻ.
Không phải ở trong những nhà trọ của dân, chị Đặng Thị Thu Huệ (40 tuổi, quê Thái Bình) hiện đang thuê nhà tại dự án nhà xã hội cho công nhân được 8 năm nay. “Tôi đã có 17 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Năm 2015, sau khi biết đến dự án nhà ở xã hội cho công nhân, tôi đã hoàn tất các thủ tục để được vào khu nhà ở này. Căn hộ có diện tích khoảng 75m2 với giá thuê 1,6 triệu đồng/tháng đã bao gồm các khoản điện, nước”, chị Huệ cho biết.
Tuy nhiên, khi được hỏi về nhu cầu sở hữu một căn nhà ở xã hội tại đây, chị Huệ lắc đầu. “Chúng tôi xác định làm công nhân với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng mỗi tháng thì chi phí sinh hoạt đã gần hết, khó có tiền tích luỹ để mua nhà xã hội. Trong khi đó, vay mua nhà xã hội với mức lãi suất 8% thì với công nhân là điều không thể. Do đó, chúng tôi xác định thuê nhà và khi không còn lao động được nữa thì về quê”, chị Huệ chia sẻ.
Cũng ở nhà ở xã hội cho công nhân, nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hường (23 tuổi), công nhân công ty Canon Việt Nam đang ở căn hộ ghép dành riêng cho công nhân nữ chừng 20m2, có có 3 giường tầng, mỗi giường 2 tầng cho 6 người ở. “Giá thuê ở đây chỉ 50.000 đồng/tháng. Nếu sống 1 mình thì tương đối tiện lợi”, chị Hường cho biết.
Khảo sát đối với công nhân thuê nhà trọ tại các khu nhà ở do người dân xây dựng và cả nhà ở xã hội cho công nhân thuê tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho thấy, với mức thu nhập không cao trong khi phải cân đối mới đảm bảo được chi phí thuê nhà, sinh hoạt, nuôi con... Do đó, công nhân mong muốn các công ty nơi họ làm việc có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa về tiền thuê nhà, tiền lương để họ có thể đảm bảo đủ trang trải cuộc sống.
Hạ tầng kỹ thuật xuống cấp
Khu công nghiệp Bắc Thăng Long được Hà Nội triển khai dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh cách đây khoảng 15 năm. Dự án được TP Hà Nội triển khai trên diện tích 20ha, với thiết kế được phê duyệt bao gồm 28 đơn nguyên nhà. Trong đó, có 24 đơn nguyên nhà cao 5 tầng (với 1.084 căn hộ phục vụ 9.168 chỗ ở thuê); 4 đơn nguyên nhà cao 15 tầng (với 448 căn hộ phục vụ 2.352 chỗ ở thuê). Hiện khu nhà ở có khoảng 9.000 công nhân đang sinh sống, tỷ lệ lấp đầy khu nhà ở đạt khoảng 80%.
Theo phản ánh của công nhân, sau khoảng 15 năm đưa vào sử dụng, hạ tầng kỹ thuật ở khu nhà ở hiện đã xuống cấp không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên, gây những bất cập cho người thuê.
Hơn nữa, quỹ nhà ở công nhân là dự án thí điểm với mô hình kiến trúc cũ, đầu tư xây dựng thấp dẫn tới việc các tòa nhà nhanh xuống cấp, thiết bị hư hỏng nhiều nhưng không được sửa chữa, thay thế kịp thời gây bất cập, bức xúc cho người sử dụng.
Với trách nhiệm là đơn vị quản lý, ông Bùi Quốc Dũng - Trưởng phòng Quản lý tái định cư và nhà ở xã hội (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) nhận định, mặc dù được thiết kế, xây dựng cung cấp chỗ ở phù hợp cho các đối tượng: Đơn thân (phòng ở tập thể), hộ gia đình (căn hộ khép kín) - song các thiết kế này mới chỉ đáp ứng được chỗ ngủ, nghỉ; chứ chưa mang tính hấp dẫn, chưa đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày như: Nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, hạ tầng xã hội... Cùng đó, mức giá cho công nhân lao động thuê cũng chưa có quy chế quản lý rõ ràng. Hiện nay mức giá là 120.000 đồng người/tháng, giá thuê 5 năm tăng 10%. Với căn hộ tập thể tạm thu mức giá 120.000 đồng/người.
“Để bảo đảm vận hành, công ty cũng thành lập các xí nghiệp thành viên để phụ trách. Mỗi tòa nhà có bảo vệ giữ gìn an ninh trật tự, có lực lượng làm công tác vệ sinh; bảo đảm điều kiện an ninh, vệ sinh. Tuy nhiên, là nhà ở xã hội theo dự án thí điểm nên sau thời gian cho công nhân thuê, chất lượng công trình xuống cấp. Công tác bảo trì, bảo dưỡng vướng rất nhiều cơ chế nên rất khó đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người lao động thuê. Đơn cử như để thực hiện bảo trì, bảo dưỡng từ khi kiểm tra, khảo sát đến lúc được duyệt cũng phải tầm quý 3, 4 trong năm mới có kinh phí triển khai nên đơn vị không có điều kiện nguồn kinh phí đáp ứng ngay việc sửa chữa", ông Bùi Quốc Dũng chia sẻ.
Từ những bất cập nêu trên, ông Bùi Quốc Dũng cho rằng cần phải có thiết chế, cơ chế rõ ràng, nhà ở khi xây dựng phải có nhà sinh hoạt cộng đồng hay nhà văn hóa tập trung. Khi xây dựng phải đồng bộ thiết kế, có tầm nhìn về việc quy hoạch, xây dựng.
Trong khi đó, ông Lê Bá Hồng, trưởng thôn Bầu cho biết, cả thôn có hơn 100 hộ có nhà cho công nhân thuê, trong đó chỉ có 20 hộ đã cải tạo nhà cho thuê cao 5 tầng. “Với bình quân chi phí xây 1 phòng trọ rộng khoảng 20m2 có giá hơn 100 triệu đồng/căn thì phải sau 10 năm mới thu hồi đủ vốn. Do đó, việc đầu tư cải tạo nhà cho thuê của các chủ hộ cũng rất khó khăn”, ông Hồng chia sẻ.
Tìm mô hình quản lý phù hợp
Bày tỏ quan điểm về khả năng sở hữu nhà ở của công nhân lao động, ông Bùi Quốc Dũng nhận định: “Với mức thu nhập không cao từ lương công nhân, họ phải lo cho bản thân, lo cho gia đình và nhiều nhu cầu khác. Và với mức lãi suất 8%, chỉ cho vay trong 5 năm thì công nhân không bao giờ có thể nghĩ đến chuyện mua nhà mà chỉ đi thuê. Do đó, khi đã đi thuê thì thuê thế nào, giá ra sao cho phù hợp cũng là điều cần phải tính đến”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết: “Chỗ ở của công nhân luôn là bài toán đối với cơ quan quản lý địa phương. Nhất là sau dịch COVID-19, địa phương cũng nhận thấy cần phải có giải pháp để quản lý hiệu quả hơn. Chúng tôi đã rà soát chỗ ở thuê trọ tại các xã, trong đó riêng xã Kim Chung có 800 nhà dân có nhà cho thuê trọ, với số lượng trên 5.000 phòng”.
"Do số lượng chung cư xã hội cho công nhân hạn chế nên nhiều công nhân chọn thuê trọ ngoài nhà dân, dù phòng ốc chật chội nhưng cũng tiện cho sinh hoạt. Bên cạnh rà soát, địa phương yêu cầu các chủ nhà trọ phải đảm bảo về điều kiện hạ tầng tối thiểu về nước sinh hoạt, môi trường. Từ nhiều năm nay, huyện cũng quan tâm, đầu tư xây dựng các trường mầm non, trường tiểu học... để cho con em công nhân có nơi học. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí, đảm bảo người dân ở đây được thụ hưởng văn hóa", bà Nguyễn Thị Tám chia sẻ thực tế.
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn chia sẻ: Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động di cư chiếm 70 - 80%, nhưng có tới 90% số lao động này thuê trọ trong khu dân cư với nhà trọ nhỏ, ẩm thấp… Tuy nhiên thu nhập hiện nay thấp nên việc cho vay trả góp phải mất 10 - 20 năm mới trả hết nợ mua nhà ở xã hội. Qua khảo sát của chúng tôi cho thấy, 90% công nhân có nhu cầu thuê nhà ở xã hội.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội cho rằng: “Đối với dự án nhà xã hội dành cho công nhân thuê cần có cơ chế vốn với lãi suất hợp lý để chính các chủ đầu tư khu công nghiệp và doanh nghiệp có thể xây dựng nhà xã hội cho công nhân thuê. Bên cạnh đó, với những nhà ở thuê trọ trong dân cũng có cơ chế chính sách, nhất là vốn vay để họ cải tạo nâng cấp hạ tầng, nâng cao điều kiện cho công nhân thuê trọ tốt hơn. Từ mô hình triển khai thí điểm tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, các địa phương có thể rút kinh nghiệm triển khai tại các khu công nghiệp khác tốt hơn”.