Sinh ra trên vùng "đất thép"
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại vùng đất Củ Chi anh hùng, bà Vũ Minh Nghĩa đã sớm tiếp xúc với những trận chiến khốc liệt và chịu nỗi mất mát trước sự hy sinh của những người thân yêu. Trong những năm tháng tuổi thơ, bà đã không ít lần tận mắt chứng kiến những hành động tàn bạo của quân địch, nhìn ngọn lửa thiêu rụi từng ngôi nhà, nghe những tiếng kêu cứu thảm thiết của người dân vô tội bị đánh đập, tra tấn dã man...
Đến bây giờ, khi kể lại những ngày tháng đó, bà vẫn còn xúc động, không kiềm được nước mắt. Bà Vũ Minh Nghĩa kể lại: “Có lần, bọn chúng đến đốt phá nhà cửa, bắt hết người già, phụ nữ, trẻ nhỏ đều phải quỳ xuống, chĩa súng vào đầu”. Những hình ảnh đau thương đó đã khắc sâu trong tâm trí cô bé Nghĩa, để từ đó khơi dậy trong lòng ngọn lửa căm thù giặc.
Năm 12 tuổi, cô bé Nghĩa đã “chập chững” tham gia cách mạng. Mẹ của bà giao nhiệm vụ đưa cơm cho các cán bộ trú ẩn trong khu vực. Những nhiệm vụ nhỏ bé như vậy đã dần gieo mầm cách mạng trong lòng cô bé Nghĩa. Bà nhận thấy sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ và bắt đầu tham gia các hoạt động cho cách mạng từ rất sớm. Bà tìm hiểu về cách mạng, và tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc đã dần được gieo mầm.
Trong những năm 1959 - 1960, khi phong trào Đồng Khởi bùng lên mạnh mẽ ở Củ Chi, cô bé Nghĩa với lòng nhiệt huyết và sự nhanh nhẹn, đã được tin tưởng giao nhiệm vụ làm giao liên. Chính Nghĩa luôn tỏ ra rất nhiệt tình và dũng cảm trong mọi nhiệm vụ được giao. Mỗi ngày đến trường, trong cặp sách của cô bé nhỏ nhắn, cùng vở tập là các bức thư mật, chuyển tin tức đến những người đang làm nhiệm vụ.
Ban ngày, vùng đất quê hương bị kiểm soát bởi chính quyền Sài Gòn, nhưng đêm xuống, những người cộng sản lại âm thầm hoạt động, bắt đầu đào địa đạo, đào hầm. Để giúp các cô chú đỡ mệt, mỗi đêm, cô gái ấy đều đến hát múa, mang nước, mang cơm cho mọi người. Khi không đi học, bà tham gia các hoạt động như đào hầm, phá đường, phá cầu cùng những thanh niên trên địa bàn để ngăn chặn giao thông của địch.
Năm 1964, anh Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn sau khi đặt mìn ám sát Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara, dù không thành nhưng đã châm ngòi cho ngọn lửa căm thù giặc Mỹ trong lòng mỗi người dân Việt. Khắp mọi miền, hình ảnh của người thanh niên anh dũng hi sinh trên pháp trường đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước, bất khuất của dân tộc, thôi thúc thanh niên tham gia cách mạng. Cũng từ đó, Vũ Minh Nghĩa bắt đầu nuôi ý định tòng quân để trở thành một chiến sĩ biệt động.
“Mình lớn lên trong thời đất nước loạn lạc, mình không thể sống bình yên mãi được, nếu muốn sống hạnh phúc thì tụi nó cũng không để yên cho mình. Cho nên tôi quyết tâm phải làm gì đó để đóng góp, xóa bớt đi những nỗi khổ. Noi gương anh Trỗi, tôi quyết tâm tham gia vào đội Biệt động Sài Gòn”, bà Vũ Minh Nghĩa bộc bạch.
Năm 16 tuổi, bà Vũ Minh Nghĩa được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của một đoàn viên. Cơ hội cũng đến với bà vào thời điểm đó khi đơn vị Đội 5 Biệt động Sài Gòn hoạt động tại Củ Chi đang tìm kiếm một thanh niên gan dạ để tuyển quân. Được chi bộ, chi đoàn tại địa phương tín nhiệm và giới thiệu, bà Nghĩa đã gặp gỡ và được đồng ý gia nhập đơn vị này. Đội 5 Biệt động Sài Gòn nổi tiếng với sự xuất quỷ nhập thần, cùng tài tham lược, mưu trí, mỗi lần đi ngang qua nơi các anh làm nhiệm vụ, bà đều không khỏi ngưỡng mộ. Ngày 15/4/1965, Vũ Minh Nghĩa chính thức đạt được mong muốn - trở thành nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn dưới sự chỉ huy của đội trưởng Nguyễn Thanh Xuân (bí danh Bảy Bê).
Cũng ngay hôm Chính Nghĩa chính thức bước vào hoạt động cách mạng, mẹ của bà đồng ý nhưng với điều kiện: Chỉ được hoạt động ở chiến khu chứ không được vào thành phố. Bởi, bà sợ con còn nhỏ, chẳng may bị bắt và tra tấn chịu không nổi mà khai, làm lộ thông tin, liên lụy cho những người khác đang hoạt động cách mạng. Thà công tác ngoài chiến khu, dù có gian khổ đến mấy hoặc chẳng may bị thương, hi sinh thì vẫn chấp nhận nhưng nhất quyết không được làm ảnh hưởng đến người khác. Được sự trợ giúp và đảm bảo của các chiến sĩ trong Đội 5, bà Nghĩa cũng thuyết phục được mẹ cho hoạt động trong nội thành.
Nữ chiến sĩ trong lòng địch
Sau khi gia nhập Đội 5 Biệt động Sài Gòn, bà phải học qua nhiều khóa huấn luyện, từ cách sử dụng bản đồ, cách chạy xe Mobylette, cho đến cách đi đứng, ăn mặc để giống người thành phố, đóng giả làm phụ dâu… Bà nhận thức rằng, để trở thành một chiến sĩ thực thụ, phải vượt qua mọi thử thách và khó khăn. Lần đầu được lên thành phố công tác, cô gái Chính Nghĩa lúc ấy chỉ mới vừa tròn 18 tuổi, còn nhiều bỡ ngỡ, đồng chí thủ trưởng là người dìu dắt, chỉ bảo từ tướng đi, nếp sinh hoạt sao cho hòa đồng với dân thành phố. Sau này, người sếp ấy cũng chính là ông xã của bà.
Trong những ngày đầu ở Đội 5, gặp phải nhiều khó khăn, không ít lần Chính Nghĩa cảm thấy muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, với lòng quyết tâm và sự kiên định, bà đã tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Từ đó, bà học hỏi và rèn luyện không ngừng để trở thành một chiến sĩ xuất sắc của Biệt động Sài Gòn. Bà được giao nhiều nhiệm vụ như giao liên, do thám tình hình, vận chuyển vũ khí, thư từ giữa nội và ngoại thành.
Tháng 8 năm 1965, Chính Nghĩa được tham gia vào trận đánh đầu tiên của mình tại Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn. Với vỏ bọc là một cô dâu phụ trong đoàn đón dâu từ Thủ Đức lên Sài Gòn, bà cùng đồng đội đã dũng cảm tiến công vào một trong những cơ quan quan trọng của chính quyền Sài Gòn. Đoàn xe chở người chiến đấu và vũ khí đã được ngụy trang dưới những quả sính lễ, bất ngờ tấn công vào Tổng nha Cảnh sát, gây ra sự hỗn loạn và thiệt hại nặng nề cho địch.
Trong cuộc tấn công này, Chính Nghĩa bị bỏ lại một mình khi các đồng đội rút lui. Tuy nhiên, với sự nhanh trí và khéo léo, bà đã thoát khỏi sự truy đuổi của địch và an toàn trở về căn cứ khiến đồng đội phải ngạc nhiên. Đây là lần đầu tiên bà trực tiếp tham gia vào một trận đánh và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng mọi người.
Những ngày tháng sau, Chính Nghĩa tiếp tục tham gia vào các hoạt động huấn luyện và chiến đấu khác. Bà vẫn làm nhiệm vụ giao liên, vận chuyển vũ khí, đồng thời học cách sử dụng súng để hướng tới mục tiêu được cầm súng trực tiếp chiến đấu cùng đồng đội. Tinh thần dũng cảm và quyết tâm của bà luôn được các đồng đội và chỉ huy đánh giá cao. Đến năm 1967, sau khi căn cứ của Đội 5 bị lộ, phần lớn các chiến sĩ và thủ trưởng bị bắt, đơn vị về căn cứ mới để tạm lánh. Cuối năm 1967, chỉ huy của biệt động Sài Gòn điều những người trong đơn vị khác tập hợp trở lại thành lập Đội 5 mới do đồng chí Tô Hoài Thanh làm chỉ huy trưởng để chuẩn bị công tác vào Sài Gòn, lên kế hoạch chiến đấu.
Đêm giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí Tô Hoài Thanh gọi Chính Nghĩa đến và giao cho bà nhiệm vụ trực tiếp cầm súng chiến đấu trong trận này. Đạt được mong muốn bấy lâu, Chính Nghĩa lúc đó vừa mừng vừa lo: “Các anh đã nhiều lần cầm súng chiến đấu ở chiến trường, còn tôi tuy có tập bắn nhưng vẫn chưa được cầm súng chiến đấu lần nào”, bà Chính Nghĩa nói.
Ngay trong đêm đó, đón giao thừa xong, cả đoàn Đội 5 gồm 15 người chỉ duy nhất có Chính Nghĩa là nữ, hành quân đi bằng mọi phương tiện tiến thẳng vào Dinh Độc Lập đối đầu với hàng trăm tên địch. Theo kế hoạch, cả đội phải giữ vững trận địa 15 - 30 phút, chờ quân chi viện tới.
Đêm mùng 2 Tết, 3 xe tải nhỏ cùng 2 xe máy tiến vào Dinh Độc Lập. Xe tải đi đầu chở theo gần 200kg thuốc nổ có nhiệm vụ phá cổng, nhưng khối thuốc không nổ. Lúc đó, 5 chiến sĩ phải trèo qua tường rào để tấn công vào trong nhưng bị bắn trả dữ dội, họ hi sinh tại chỗ. Những người còn lại quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Xe của quân địch đến tiếp viện, bị các chiến sĩ biệt động tiêu diệt, bắn cháy, nhưng đến gần 40 phút sau vẫn chưa thấy quân ta đến tiếp viện. Khi đó, 8 người còn lại phải đối đầu với hàng trăm tên địch, nhiều chiến sĩ bị thương nặng. Không chỉ cầm súng chiến đấu, Chính Nghĩa còn đảm nhận vai trò cứu thương cho đồng đội. Tại đây, vì vết thương quá nặng, đồng chí Tô Hoài Thanh hi sinh trong vòng tay bà.
“Lúc ra đi, anh Ba Thanh có nói chúng tôi phải quyết bám trận địa, không được rút lui. Lời trăn trối đó cũng chính là mệnh lệnh”, bà Vũ Minh Nghĩa bùi ngùi kể lại. Những lời trăn trối cuối cùng của người chỉ huy đã thôi thúc bà và đồng đội tiếp tục chiến đấu. Họ chuyển qua một cao ốc đang xây dở cạnh đó để cố thủ, bắn trả quyết liệt. Nhưng cũng tại đây, một người nữa đã hi sinh. Lợi dụng những lỗ hổng trên tường, 7 người còn lại thoát bằng đường ống nước nhưng vẫn bị địch phát hiện bao vây.
Chính Nghĩa khi đó cũng bị địch bắt, phải trải qua những đợt tra tấn tàn bạo tại các nhà tù từ Tổng nha Cảnh sát đến Thủ Đức, Biên Hòa, Chí Hòa và cuối cùng là Côn Đảo, nơi được mệnh danh là "địa ngục trần gian" khiến ai nghe qua cũng phải rùng mình. Mặc dù phải chịu đựng những đòn tra tấn khủng khiếp và đau đớn, bà không bao giờ khai nửa lời. Sự hành hạ ấy cũng không thể nào làm lung lay ý chí của một chiến sĩ cách mạng luôn hừng hực tinh thần kiên cường và bất khuất.
Năm 1974, sau nhiều năm bị giam giữ, bà Vũ Minh Nghĩa được trả tự do. Ngày 30/4/1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bà lại được nhận lệnh tham gia đánh vào Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, khi kế hoạch đang được thực hiện thì mọi người hay tin Tổng thống chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, đất nước hoàn toàn giải phóng.
Bà Vũ Minh Nghĩa, với tinh thần dũng cảm, sự hy sinh và lòng kiên định, đã trở thành biểu tượng của một người phụ nữ anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng dân tộc. Bà không chỉ là nữ chiến sĩ duy nhất của Biệt động Sài Gòn tiến vào Dinh Độc Lập mà còn là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước và ý chí chiến đấu. Những đóng góp của bà trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975.