Trong các ngày từ 24-27/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (gọi tắt là Công ty HAIC).
Hai bị cáo phải ra trước vành móng ngựa trong vụ án này gồm: Nguyễn Văn Tuẫn (sinh năm 1958, trú ở phường Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội – nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc Công ty HAIC) và Bùi Mạnh Hà (sinh năm 1963, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân – nguyên Kế toán trưởng của Công ty HAIC) bị Viện kiểm sát truy tố về cùng tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 282-BLHS. Có mặt tại phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn có bà Châu Thị Thu Nga (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất - Housing Group, nguyên là đại biểu Quốc hội).
Theo cáo trạng, năm 2008, HAIC và Housing Group ký biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư. Tháng 7/2008, HAIC có tờ trình số 73 đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng 20.000 m2 đất tại khu B5 thị trấn Cầu Diễn để lập và thực hiện dự án Khu chung cư - biệt thự nhà vườn và tờ trình hợp tác đầu tư với Housing Group. Một tháng sau, Nguyễn Văn Tuẫn và bà Châu Thị Thu Nga (Tổng Giám đốc Housing Group) ký hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án B5 Cầu Diễn. Dự kiến quy mô gồm 3 chung cư 21 tầng và 36 nhà vườn, tổng mức đầu tư 279,3 tỷ đồng. Hai bên thỏa thuận, HAIC góp vốn 40% bằng giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và tiền mặt; Housing Group góp vốn 60%. Ngày 8/5/2010, Nguyễn Văn Tuẫn chủ trì cuộc họp bàn về việc triển khai, thực hiện dự án B5 Cầu Diễn. Ngày 11/5/2010 và 28/5/2010, ông Tuẫn ký thông báo số 98 và 116 về việc huy động vốn của các cá nhân trong và ngoài công ty làm vốn đối ứng. Từ tháng 8/2008 đến tháng 3/2011, Tuẫn chỉ đạo Bùi Mạnh Hà – Kế toán trưởng HAIC và các nhân viên dưới quyền huy động hơn 263,3 tỷ đồng nhưng không báo cáo UBND thành phố Hà Nội (chủ sở hữu HAIC). Toàn bộ số tiền thu được Hà và các nhân viên sử dụng vào nhiều mục đích ngoài dự án.
Hành vi của các bị cáo đã gây ra hậu quả: Dự án B5 Cầu Diễn chưa được triển khai, số tiền huy động vốn đầu tư ra ngoài công ty khó có khả năng thu hồi. Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Tuẫn khai nhận vốn điều lệ công ty năm 2010 là 7,1 tỷ đồng. Năm 2012, công ty tăng vốn lên 15 tỷ đồng. Báo cáo tài chính năm 2010 là hơn 200 tỷ đồng. Thời điểm bị cáo bắt đầu huy động vốn là ngày 26/5/2010, sau thời điểm Điều lệ công ty được ban hành (tháng 10/2010).
Căn cứ vào Điều 39 Luật nhà ở, Điều 3 Thông tư số 117 của Bộ Tài chính và Điều 20 Điều lệ tổ chức và hoạt động của HAIC, cơ quan tố tụng xác định Nguyễn Văn Tuẫn huy động vốn vượt quá giá trị tài sản của công ty. Cụ thể, Điều 20 Điều lệ công ty quy định: Ông Tuẫn chỉ được quyền quyết định các dự án đầu tư, phương án huy động vốn, hợp đồng vay, cho vay, các hợp đồng khác và bán tài sản có giá trị từ 30%-50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất và các phương án huy động vốn có giá trị không vượt quá giá trị vốn điều lệ hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ, hoặc không vượt quá mức giá trị tối đa quy định tại điều lệ.
Sau 4 ngày xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử sơ thẩm cho rằng cần phải làm rõ thêm thời điểm bị cáo Tuẫn chỉ đạo việc huy động vốn của các tổ chức và cá nhân cũng như thời điểm Công ty HAIC ban hành điều lệ doanh nghiệp, sau khi chuyển đổi hoạt động. Do xác định các nội dung này không thể làm rõ được ngay tại phiên tòa nên Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ để tiến hành điều tra bổ sung, làm rõ thêm những nội dung trên.