Y án sơ thẩm với hai bị cáo vi phạm về quản lý đất đai tại Khánh Hòa

Ngày 15/8, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo quy định tại khoản 3, Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: Tiên Minh/TTXVN

Hai bị cáo là Võ Tấn Thái (sinh năm 1961), cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Trần Văn Hùng (sinh năm 1958), cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Khánh Hòa đã có đơn kháng cáo sau phiên tòa sơ thẩm.

Bị cáo Trần Văn Hùng đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, còn bị cáo Võ Tấn Thái có đơn kháng cáo đề nghị xem xét lại mức độ phạm tội đối với bị cáo, xem xét lại phần trách nhiệm hình sự. Bị cáo Trần Văn Hùng có mặt tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Võ Tấn Thái xin vắng mặt với lý do đang được trích xuất từ Trại tạm giam Công an tỉnh Khánh Hòa để điều trị bệnh hiểm nghèo tại TP Hồ Chí Minh.

Trong vụ án này, còn có các bị cáo: Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 – 2015; Lê Đức Vinh, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016, cựu Chủ tịch UBND tỉnh từ năm 2016 – 2019; Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Lê Mộng Điệp, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Lê Văn Dẽ, cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cùng bị cáo buộc về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo quy định tại khoản 3, Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015, phiên tòa sơ thẩm đã tuyên phạt với các mức án khác nhau nhưng các bị cáo không kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn kháng cáo của hai bị cáo và giữ nguyên hình phạt của phiên tòa sơ thẩm; cho rằng phiên tòa sơ thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội, hai bị cáo không có thêm tình tiết để giảm nhẹ.

Hội đồng xét xử nhận định, từ năm 2012 – 2015, trong quá trình cho phép thực hiện Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực Núi Chín khúc, thuộc địa bàn thành phố Nha Trang do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa làm chủ đầu tư, các bị cáo là lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường đã có các hành vi giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật. Đối với bị cáo Võ Tấn Thái, với chức vụ là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã có các tờ trình tham mưu cho UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành các quyết định trái pháp luật; còn bị cáo Trần Văn Hùng đã nhiều lần có ý kiến tham mưu cho Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường (thời điểm đó là ông Lê Mộng Điệp, cũng là bị cáo trong vụ án và đã bị Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù) để sau đó bị cáo Điệp ký tờ trình tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định trái pháp luật.

Chủ tọa phiên tòa Mai Xuân Thành nêu rõ, hành vi của hai bị cáo Võ Tấn Thái và Trần Văn Hùng cùng với các bị cáo khác trong vụ án là nghiêm trọng, xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực quản lý đất đai, ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước. Bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo, đồng thời đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ. Tại phiên tòa phúc thẩm, không có tình tiết giảm nhẹ nào mới làm thay đổi mức án của cấp sơ thẩm đã tuyên phạt, do đó không có căn cứ để chấp nhận đơn kháng cáo của hai bị cáo Thái và Hùng, giữ nguyên bản án sơ thẩm ngày 13/4/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa, xử phạt bị cáo Võ Tấn Thái 3 năm 6 tháng tù và bị cáo Trần Văn Hùng 2 năm 6 tháng tù.

Tiên Minh (TTXVN)
Bình Phước yêu cầu tăng cường quản lý đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Bình Phước yêu cầu tăng cường quản lý đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số

“Tiếp tục thực hiện biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng vay lãi nặng, lừa đảo cầm cố đất, bán đất vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch về đất đai”. Đây là nội dung của công văn về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN