Theo UBND tỉnh Bình Định, thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện, xử lý 406 trường hợp xây dựng, lấn chiếm trái phép trên địa bàn Khu Kinh tế Nhơn Hội. Trong các năm 2019, 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND Thành phố Quy Nhơn, UBND các huyện Tuy Phước, Phù Cát chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ 52 trường hợp (Thành phố Quy Nhơn 18 trường hợp, huyện Tuy Phước 13 trường hợp và huyện Phù Cát 29 trường hợp). Bên cạnh đó, UBND các xã đã chủ động cưỡng chế nhanh 8 trường hợp (Thành phố Quy Nhơn 2 trường hợp, huyện Tuy Phước 1 trường hợp và huyện Phù Cát 5 trường hợp).
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho rằng, mặc dù lãnh đạo tỉnh liên tục chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý, ngăn chặn các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội, nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
Ngày 21/3/2019, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành chống lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trong Khu kinh tế Nhơn Hội; đồng thời liên tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương quyết liệt xử lý tình trạng xâm chiếm đất đai, xây dựng trái phép; làm rõ trách nhiệm, xử lý kiên quyết cán bộ địa phương để việc lấn chiếm đất đai tràn lan, mà không hề hay biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã trực tiếp đến hiện trường thị sát, chỉ đạo xử lý rốt ráo, dẹp nạn "xâu xé" đất công. Nhưng sau những đợt cưỡng chế không lâu, mọi chuyện đâu lại vào đấy, tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép vẫn phát sinh. Huyện Phù Cát được nhắc tên với vai trò "điểm nóng" với 37 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép chưa được xử lý, trong đó xã Cát Chánh còn 22 trường hợp, xã Cát Tiến còn 15 trường hợp.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, tất cả các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trong Khu kinh tế Nhơn Hội đều phải được xử lý dứt điểm trước thời hạn ngày 31/12/2020. Tuy nhiên, đến nay trong khu kinh tế này vẫn còn 48 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép vẫn chưa được xử lý. Trong đó, 22 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép ở xã Cát Chánh thuộc thẩm quyền xử lý của UBND huyện Phù Cát; 15 trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của UBND xã Cát Tiến; 11 trường hợp vi phạm ở xã Phước Hòa thuộc thẩm quyền xử lý của UBND huyện Tuy Phước.
Lý giải về việc chậm xử lý vi phạm theo thời hạn yêu cầu của UBND tỉnh Bình Định, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Nguyễn Trung Kiên cho rằng: "Hiện huyện Phú Cát đang ưu tiên tập trung lực lượng để giải phóng mặt bằng tuyến đường ven biển ĐT639, tuyến Cát Tiến – Đề Gi, do đó chưa thể cưỡng chế, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm ở khu kinh tế. Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, huyện sẽ tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép này".
Tại xã Cát Tiến, thời gian dài chính quyền buông lỏng quản lý nên tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng công trình nhà ở trái phép ở Khu kinh tế Nhơn Hội diễn ra công khai, ngày một gia tăng, khiến tình hình ở đây trở nên phức tạp; pháp luật bị xem nhẹ. Nhiều trường hợp lấn chiếm, xây dựng nhà ở trái phép bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, chưa nộp tiền phạt. Hàng loạt công trình bị cưỡng chế, tháo dỡ nhưng lại tái lấn chiếm mà không bị xử lý.
Theo ghi nhận, dọc theo Tỉnh lộ ĐT 639, đoạn thuộc địa bàn thôn Phú Hậu (xã Cát Tiến), nhiều ngôi nhà cấp 4 được xây dựng trái phép. Ông Trần Trung Kiên, cán bộ địa chính xã Cát Tiến cho biết: "Khu vực này được quy hoạch thành khu vui chơi giải trí Phú Hậu - Cát Tiến, đang có 8 hộ dân lấn chiếm xây dựng nhà ở trái phép. Chúng tôi đã lập biên bản yêu cầu người dân tự giác tháo dỡ công trình, nhưng họ không thực hiện".
Ông Trần Trung Kiên lý giải: Người dân xây dựng công trình trái phép vào ngày nghỉ, xây vào ban đêm, ban đầu xây dựng nhỏ, sau đó mới cơi nới rộng ra nên phát hiện và ngăn chặn rất khó. Khi phát hiện được thì người dân đã xây dựng xong công trình nên mất rất nhiều thời gian để xử lý.
Chủ tịch UBND xã Cát Tiến Trần Đình Trực cho biết, địa phương đã có nhiều kế hoạch ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện chưa kịp thời, công tác quản lý còn lỏng lẻo; tuyên truyền vận động người dân chấp hành pháp luật chưa đến nơi đến chốn. Khi xử lý các trường hợp vi phạm, người dân chưa chấp hành, nhiều trường hợp không hợp tác làm việc. Theo ông Trực, nguyên nhân tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai và xây dựng trái phép ở xã Cát Tiến tăng cao, trước hết là do sức ép về nơi ở; tiếp đó là do giá trị đất tăng quá cao trong thời gian qua, họ lấn chiếm để đòi tiền bồi thường khi có dự án triển khai. "Thời gian này địa phương quá nhiều việc nên chưa thể triển khai cưỡng chế, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm theo thời hạn quy định của UBND tỉnh. Kế hoạch dự kiến là sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, xã sẽ xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép này"- ông Trực cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, cho biết, Tổ công tác thường xuyên tuần tra việc lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trong Khu kinh tế Nhơn Hội, nhất là tuyến dọc tỉnh lộ ĐT639, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Trong năm 2020, tổ đã phát hiện và lập biên bản đối với 39 trường hợp vi phạm, trong đó cưỡng chế tháo dỡ 8 trường hợp, nhiều trường hợp vẫn chưa được xử lý. "Do tăng cường công tác quản lý, tuần tra, tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trong Khu kinh tế Nhơn Hội có giảm so với năm trước, tuy nhiên vẫn phát sinh nhiều trường hợp vi phạm. Đến nay, còn 48 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép vẫn chưa được xử lý dứt điểm"- ông Nguyên chia sẻ.