Xây chợ Tam Đường mới: Kỳ 1: Loại bỏ chợ Bình Lư là đúng

Thời gian gần đây, hàng loạt video clip với nội dung “Chính quyền cưỡng chế nhân dân đập phá chợ Bình Lư…” tung lên mạng xã hội YouTube và một số báo gây bất bình trong dư luận. 44 hộ có ki ốt kinh doanh ở chợ Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu chưa đồng thuận và cho rằng chính quyền còn bỏ qua lợi ích của dân. Nhóm phóng viên chúng tôi đã có mặt tìm hiểu để làm rõ vấn đề này.

 

Dân góp tiền và hệ lụy để lại…


Nếu chợ Bình Lư trước đây do Nhà nước xây dựng và cho người dân thuê kinh doanh thì việc chuyển chợ sẽ không khó khăn và phức tạp. Khổ nỗi, người dân cứ một mực cho rằng họ đã bỏ tiền ra xây dựng ki ốt theo quy hoạch và góp tiền làm các công trình phụ nên Nhà nước không được dỡ bỏ mà giữ lại chợ để bà con buôn bán như trước.


 

Hai nhà đình đã bị tháo dỡ, chức năng kinh doanh chợ Bình Lư đã bị loại bỏ.

 

Ông Nguyễn Đình Quang, 71 tuổi là tiểu thương lâu năm ở chợ, cho biết: Chợ Bình Lư vốn có từ trước, năm 1990 một số hộ dân buôn bán ở chợ bỏ tiền mua đất để kinh doanh lâu dài. Năm 1994, theo quy hoạch nâng cấp chợ Bình Lư, chính quyền xã tiến hành họp và thống nhất các tiểu thương mua đất quanh chợ góp tiền để xây ki ốt theo kiến trúc quy định. Ban xây dựng được người dân, chính quyền xã bầu ra và họp dân thống nhất số tiền mỗi hộ phải nộp. Để đảm bảo cho việc ở, sinh hoạt, kinh doanh thì mỗi hộ có ki ốt góp thêm 1,5 triệu đồng để làm các công trình như: Bể chứa nước và cống rãnh thoát nước và nhà vệ sinh. Từ đó đến nay, bà con kinh doanh bình thường và chấp hành nộp thuế đầy đủ. Các tiểu thương ở chợ Bình Lư chỉ “tá hỏa” khi Dự án xây mới chợ Tam Đường được triển khai và biết chợ Bình Lư sẽ bị loại bỏ chức năng kinh doanh.


Ngày 25/9/2012, UBND huyện Tam Đường có Thông báo số 141/TB - UBND khẳng định: “Việc chuyển chợ cũ lên chợ mới là chủ trương quy hoạch đô thị của tỉnh. Địa điểm chợ cũ đã được quy hoạch xây dựng Nhà văn hóa cho bản Trung tâm và Hội Người cao tuổi thị trấn Tam Đường. Nhà nước sẽ không bồi thường cho các hộ xây và mua ki ốt, vì nếu không kinh doanh thì các hộ dùng để ở, sinh hoạt. Quyền lợi của các tiểu thương có đất, ki ốt kinh doanh ở chợ cũ khi chuyển lên chợ mới sẽ được ưu tiên bốc thăm các gian hàng đầu tiên; không phải nộp tiền thuê gian hàng trong 3 tháng; mua các ki ốt quanh chợ không cần tham gia đấu giá”. Các hộ kinh doanh có ki ốt ở chợ cũ thấy quyền lợi kinh tế không được đảm bảo kể cả đi lẫn ở nên phản ảnh gay gắt, gửi đơn từ lên tỉnh.


Ngày 25/12/2012, tại huyên Tam Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chương tiếp các công dân chợ Bình Lư, UBND huyện Tam Đường đưa ra những chứng minh mà các tiểu thương phản ánh trong đơn thư là không đúng. Ông Nguyễn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: “Mục đích chuyển chợ mới của UBND huyện Tam Đường không vì lợi ích riêng của ai mà vì mục tiêu chung phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Việc xây dựng chợ mới và lộ trình chuyển chợ vẫn tiếp tục thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt”.

 

Có gian hàng, dân vẫn ở giữ chợ…


Tại sao các tiểu thương có quyền lợi trực tiếp ở chợ Bình Lư không chịu chuyển lên chợ Tam Đường mới để tiếp tục kinh doanh? Trong khi đó, hầu hết các hộ có đất, ki ốt ở chợ cũ không chịu chuyển đi đã có đơn và tiến hành bốc thăm sở hữu gian hàng trên chợ mới và các gian hàng đó vẫn để trống. Đây là vấn đề mấu chốt của sự việc gây mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân, dẫn đến việc đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh và các báo. Nếu ở chợ cũ, các tiểu thương không phải nộp tiền thuê gian hàng mà lại có nhà để ở, không phải chi phí mà thu nhập cao và ổn định. Đồng thời, nếu chợ không còn mà giữ ki ốt lại để ở thì mất đi giá trị kinh doanh…

 

Xung đột gay gắt khi UBND huyện Tam Đường tiến hành thanh lý hai nhà đình trong chợ và giao cho Hội Cựu chiến binh huyện tháo dỡ, tận dụng vật liệu xây nhà tình nghĩa. Ngày 10/1/2013, Hội Cựu chiến binh huyện và thị trấn xuống tiến hành tháo dỡ, các tiểu thương có ki ốt quanh chợ đã lập 2 bàn thờ Bác và treo ảnh Bác trước ngực phản đối. Các tiểu thương có đất và ki ốt ở chợ cho rằng “Chính quyền đã áp đặt việc loại bỏ chức năng kinh doanh của chợ Bình Lư mà không có sự họp bàn, thống nhất với người dân”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Tăng - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xây dựng Trung tâm thương mại chợ Tam Đường là nằm trong quy hoạch và đã công khai trước dân.

 

Còn việc loại bỏ chợ Bình Lư cũ là đúng, vì nó đã xuống cấp và một thị trấn nhỏ không thể để hai chợ gần nhau với khoảng cách 300 m, trên chợ mới cũng thừa gian hàng để các hộ chuyển lên buôn bán. Đầu tháng 10/2012, người dân biết được kế hoạch chuyển chợ, đồng thuận ký đơn tự nguyện chuyển. Còn về chuyện thanh lý, tháo dỡ hai nhà đình trong chợ cũ của chính quyền là phù hợp. Ta nên hiểu “đình” ở đây là cách gọi dân gian, chứ không phải mang ý nghĩa tâm linh, tôn giáo. Tại buổi làm việc ngày 24/12/2012, UBND huyện đã mời nguyên lãnh đạo xã Bình Lư (cũ), nguyên Ban xây dựng chợ Bình Lư năm 1994 và một số hộ dân kinh doanh ở chợ đã chứng minh hai dãy đình trong chợ không phải do dân đóng tiền để làm mà do chính quyền lấy vật tư từ hai nhà xe của Sư đoàn 326 về lắp dựng, phần tường xây và nền sân được đầu tư bởi kinh phí của xã Bình Lư.

 

Đình chợ là tài sản của Nhà nước, huyện chỉ thực hiện tháo dỡ đúng quy trình và đã có thông báo trên loa cho bà con biết. Hơn nữa, vật tư dỡ từ hai đình trên được giao cho Hội Cựu chiến binh huyện xây nhà tình nghĩa cho hai cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thèn Sin, xã Bản Bo. Ngày tháo dỡ, UBND huyện xét tình hình rất phức tạp nên cử cơ quan chức năng xuống tuyên truyền và bảo vệ tránh xung đột xảy ra chứ không phải xuống để cưỡng chế dân…


Chính quyền huyện Tam Đường cho biết: Việc mua đất, xây dựng và mua ki ốt của dân với mục đích kinh doanh, không phải là nơi ở, nếu UBND xã Bình Lư trước kia bán đất ở thì người dân phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi người dân sở hữu ki ốt để kinh doanh coi đó là nhà ở nên góp tiền để xây dựng các công trình phụ trợ như: vệ sinh, nước sinh hoạt, rãnh thoát nước. Các gia đình góp tiền tự nguyện như vậy là nhằm phục vụ chính nhu cầu sinh hoạt của mình, chứ không phải chợ Bình Lư được hình thành dưới dạng cổ phần. Chính quyền chỉ tiến hành thanh lý và thu hồi tài sản của Nhà nước ở chợ Bình Lư.


Hiện nay, hai dãy đình trong lòng chợ Bình Lư đã dỡ bỏ, một số hộ kinh doanh cũng đã chuyển lên nhận gian hàng ở chợ mới Tam Đường tiếp tục buôn bán và bước đầu có hiệu quả kinh tế. Còn lại, một số tiểu thương vẫn bày hàng bán trên nền chợ cũ để giữ quan điểm “ở còn chợ, đi mất kinh tế”.


Bài và ảnh: Việt Hoàng

 

Kỳ cuối: Vì lợi ích chung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN