Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục), luật sư Nguyễn Thị Thu cho rằng, mức án 12 - 13 năm tù mà đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt đối với bị cáo Thái là quá nghiêm khắc. Theo luật sư, bị cáo Thái và các bị cáo thuộc Nhà xuất bản Giáo dục tuy có hành vi sai phạm nhưng hành vi của các bị cáo đều xuất phát từ mong muốn hoàn thành tốt trọng trách của Nhà xuất bản và không xuất phát từ mục đích vụ lợi cá nhân. Bị cáo Thái chỉ đồng ý về mặt chủ trương việc cho Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát tham gia chào thầu, cung cấp giấy in cho Nhà xuất bản chứ không hứa hẹn sẽ tạo điều kiện cho 2 công ty trúng thầu và bị cáo cũng không can thiệp vào quá trình chấm thầu.
Luật sư Nguyễn Thị Thu nhận định, việc bị cáo Ngọc, Minh đưa tiền cám ơn bị cáo Thái vào các dịp lễ, Tết là do các bị cáo chủ động trích hoa hồng từ nguồn lợi nhuận của doanh nghiệp. Bị cáo Thái không đòi hỏi, không yêu cầu các doanh nghiệp phải thỏa thuận về việc này.
Nối tiếp quan điểm này, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho bị cáo Tô Mỹ Ngọc, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phùng Vĩnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc kinh doanh Công ty CP) cho rằng, việc Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty CP trúng thầu không hoàn toàn phụ thuộc vào việc bị cáo Ngọc nhờ vả và sau đó có đưa tiền cho bị cáo Thái. Nguyên nhân chính xuất phát từ năng lực, uy tín, chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh của Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty CP.
Theo luật sư Huyền Trang, thực tế đã chứng minh, Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty CP đã cung cấp cho Nhà xuất bản Giáo dục loại giấy chất lượng tốt nhất, giá cạnh tranh nhất, mang lại lợi ích tối ưu nhất cho Nhà xuất bản. Hành vi đưa hối lộ của bị cáo Ngọc không phải là nguyên nhân chính và duy nhất để Nhà xuất bản Giáo dục lựa chọn sản phẩm giấy của Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty CP. Hành vi này nhằm cảm ơn bị cáo Thái vì đã tạo điều kiện thuận lợi để Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty CP được tham gia đấu thầu trong các năm, cũng như trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện, thanh lý hợp đồng và thanh quyết toán hợp đồng.
Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát, hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà xuất bản Giáo dục số tiền hơn 10 tỷ đồng. Đến nay, bị cáo Ngọc đã nộp 19 tỷ đồng để đảm bảo cho các nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự của bị cáo trong vụ án. Luật sư Huyền Trang đề nghị, Hội đồng xét xử cân nhắc tuyên trả lại bị cáo Ngọc và gia đình số tiền hơn 12 tỷ đồng là số tiền mà gia đình bị cáo Ngọc đã nộp dư.
Nói lời sau cùng tại phiên tòa, các bị cáo đều bày tỏ ăn năn, ân hận và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm được trở về với xã hội. Bị cáo Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục bày tỏ ăn năn, hối hận; đồng thời, xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo cấp dưới vì thực hiện sự phân công, chỉ đạo của bị cáo Thái mà bị vướng vòng lao lý.
Bị cáo Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty Minh Cường Phát) cho rằng, hành vi phạm tội của mình là do nhận thức pháp luật hạn chế. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Minh đã nhận thức được việc làm sai trái của mình và xin Hội đồng xét xử cho giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm trở về với gia đình và xã hội.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Trưởng Ban Kế hoạch Maketing, Nhà xuất bản Giáo dục) bày tỏ sự ăn năn, hối hận và trình bày hành vi phạm tội là không cố ý, chỉ nhằm hoàn thành tốt công việc được giao tại Nhà xuất bản Giáo dục. Bị cáo Thủy xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và các bị cáo khác thuộc Nhà xuất bản Giáo dục…
Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, Hội đồng xét xử nghị án. Chiều 16/1, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.