Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm bởi đã kéo dài trong 10 năm, từ năm 2010 đến nay, qua nhiều lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, hủy bản án, đình chỉ vụ án, điều tra lại qua nhiều cấp, từ Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.
Cũng liên quan đến vụ việc, giữa tháng 4/2020, Tỉnh ủy Gia Lai đã có Quyết định 1825/QĐ-TU kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với ông Nguyễn Văn Quân, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy vì khi làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai năm 2015) đã chỉ đạo cấp dưới ký quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Lê Thị Tường Vân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai giao cho ông Rah Lan Chung, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn kiểm tra.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, từ năm 2008, do có quen biết từ trước, Lê Thị Tường Vân đã nhiều lần vay tiền của các chị Nguyễn Thị Phượng Tường (sinh năm 1968, trú tại phường Yên Đỗ), Huỳnh Thị Thúy Vân (sinh năm 1966, trú tại phường Hội Thương, thành phố Pleiku, Gia Lai), Hồ Thị Xuân Dung (sinh năm 1977, trú tại phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, Gia Lai) và thanh toán, trả lãi đầy đủ.
Đến ngày 6/11/2009, với lý do cần huy động vốn để nhập xe ô tô cho công ty của chồng bán Tết, Lê Thị Tường Vân đã vay của các chị Phượng Tường, Thúy Vân và Xuân Dung số tiền 15,25 tỉ đồng, với giấy nợ và hẹn sẽ trả sau 4 ngày. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, Tường Vân không trả nợ rồi tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng chi trả.
Đáng chú ý, ngày 5/11/2009, toàn bộ tài sản đứng tên vợ chồng Tường Vân gồm 2 căn nhà, 1 chiếc xe ô tô, 1 chiếc xe máy nhãn hiệu Honda SH đã được chuyển cho người thân trong gia đình Vân dưới hình thức làm hợp đồng tặng nhà, mua bán xe.
Tại phiên tòa, Tường Vân khai số tiền 15,25 tỉ đồng vay của ba bị hại đã đem cho chị Nguyễn Thị Thùy Dương (trú tại thành phố Pleiku) vay lại để chị này đáo hạn ngân hàng. Tính đến ngày 2/11/2009, chị Dương còn nợ Tường Vân số tiền hơn 25 tỉ đồng nên bị cáo không có tiền trả cho 3 bị hại. Để chứng minh, Tường Vân đã nộp tập giấy 101 tờ và các chứng từ chuyển khoản qua ngân hàng. Tuy nhiên, quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, trong các giấy tờ, chứng từ này không ghi rõ nội dung chuyển tiền, họ tên người cho vay và người vay cũng như không có chữ ký xác nhận của chị Dương. Đồng thời, xác định việc vay nợ giữa chị Dương và Tường Vân đã kết thúc từ ngày 20/10/2009, tức trước thời điểm Tường Vân vay tiền của 3 bị hại.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt Lê Thị Tường Vân 13 năm tù giam vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139 Bộ Luật Hình sự năm 1999. Về phần dân sự, các bị hại đã thỏa thuận cùng gia đình bị cáo chỉ nhận 40% số tiền vay ban đầu là sẽ kết thúc phần dân sự, phía bị cáo Tường Vân đã thực hiện xong việc chi trả 40%. Việc này các bên đã tự thỏa thuận, không có hành vi gian dối, ép buộc, không trái với đạo đức xã hội nên không có cơ sở để buộc Vân phải trả hết 60% số tiền còn lại mà các bị hại đề nghị tại phiên tòa.