Theo các ngành chức năng của tỉnh, việc khai thác cát sỏi trên địa bàn Vĩnh Phúc diễn ra phức tạp và kéo dài trong nhiều năm, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu thuế, phí, làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, đe dọa an toàn đê điều và ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân, đặc biệt là gây mất an ninh trật tự tại một số xã, khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Nguyên nhân của thực trạng trên một phần là do sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ và chưa thường xuyên; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thực sự kiên quyết, chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt, một số đối tượng vi phạm đã bị xử lý, nhưng vẫn tái phạm.
Việc khai thác cát, sỏi ở Vĩnh Phúc đã khiến nhiều đoạn sông biến đổi dòng chảy, làm cho đất canh tác tại các bãi bồi giữa dòng sông, bãi đất ven sông sạt lở, diện tích canh tác suy giảm, thậm chí nhiều gia đình mất đất canh tác. Nhiều đồi núi bị đào bới đất đá mang đi nơi khác san lấp mặt bang, làm cho cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ. Xe tải hạng nặng hoành hành cả ngày lẫn đêm để vận chuyển cát, sỏi, đất, đá, khiến nhiều tuyến đường dân sinh bị "băm nát"; các loại cây trồng nằm trong tầm ảnh hưởng bị khói bụi mịt mờ không có khả năng kết hạt, kết trái...
Tình trạng khai thác cát quá mức với độ sâu lớn, xâm lấn bờ bãi đã khiến đất canh tác tại rất nhiều thôn, xã ven sông Lô bị trượt xuống lòng sông. Cụ thể như ở xã Bạch Lưu, huyện sông Lô có 4,6 km đê và 7 cống thoát dưới đê đang bảo vệ cho 600 hộ với 3.000 khẩu. Qua nhiều năm khai thác cát trái phép, ước tính sơ bộ đã có hàng chục ngàn m2 ruộng đất bị trôi xuống dòng sông này. Người dân ở đây cho biết, khu vực này từng có nhiều tàu cuốc hút cát trái phép, khai thác ngoài phạm vi ranh giới mỏ được cấp phép, "khoét sâu" đáy sông để chờ mùa lũ năm sau cát sẽ đổ về.
Để tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các ngành chức năng và địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về khoáng sản đến người dân, các tổ chức có liên quan để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi. Việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản phải căn cứ quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Các đơn vị được cấp phép khai thác phải đáp ứng được yêu cầu về năng lực khai thác, tuân thủ các quy định pháp luật liên quan tới khai thác khoáng sản, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều và hành lang thoát lũ, giữ gìn an ninh trật tự và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc khai thác cát, sỏi theo quy định của pháp luật.