Theo ông Hoàng Văn Bản, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Phúc, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn đã được kiểm soát, hoạt động kinh tế - xã hội đang đi vào ổn định. Hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị... tại Vĩnh Phúc đã sôi động trở lại. Nhu cầu tuyển dụng lao động và tìm kiếm việc làm của người dân tăng cao. Điều này dẫn tới nhu cầu đi lại của người dân tăng theo, nhất là công nhân, lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Để kinh doanh kiếm lời, nhiều chủ phương tiện chưa nắm rõ các quy định đã vi phạm về điều kiện lưu hành, đậu đỗ không đúng nơi quy định, chở quá số người.
Tỉnh có 8 khu công nghiệp đang hoạt động với khoảng 120.000 lao động; nhiều cụm công nghiệp, làng nghề thu hút hàng chục ngàn lao động. Nhiều công nhân, lao động, học sinh, sinh viên... lựa chọn xe ô tô hợp đồng từ địa phương, xe đưa, đón của doanh nghiệp đi lại đảm bảo sức khỏe, an toàn và tiện ích.
Để khắc phục những tồn tại và đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân, Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Phúc chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các xe hợp đồng đưa đón công nhân xuống cấp, không đủ điều kiện lưu hành. Các phương tiện có những tồn tại, hạn chế nêu trên sẽ không được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định và không được phép lưu hành để bảo đảm an toàn cho hành khách. Lực lượng chức năng sẽ kiểm soát, đẩy lùi tình trạng hoạt động vận chuyển đưa đón công nhân, xe đậu đỗ trái phép bên ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Địa phương yêu cầu, xe dạy lái đường trường phải lắp camera giám sát. Cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải thực hiện nghiêm các quy định, nâng cao chất lượng đào tạo vì sự bình yên, an toàn cho người dân. Tỉnh quyết tâm duy trì các phương tiện hoạt động có tổ chức, đưa, đón học sinh, sinh viên, công nhân đúng giờ, có trật tự, đảm bảo mọi điều kiện, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân...
Công an tỉnh và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xếp dỡ hàng hóa, mỏ vật liệu thực hiện nghiêm cam kết đã ký. Cảnh sát Giao thông tỉnh tổ chức cho các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia giao thông trên đường thủy nội địa, không xếp hàng vượt quá trọng lượng cho phép của phương tiện tại các bến thủy nội địa; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định về trật tự an toàn giao thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh thường xuyên phản ánh tình trạng các xe quá khổ, quá tải, coi thường pháp luật, gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng tiêu cực đến kết cấu hạ tầng giao thông...
Năm 2022, riêng hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, Thanh tra Giao thông đã phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý vi phạm 261 trường hợp; xử phạt tổng số tiền gần 940 triệu đồng; tước quyền sử dụng (có thời hạn) giấy phép lái xe, phù hiệu kinh doanh vận tải 87 trường hợp; tạm giữ 10 phương tiện vi phạm.