UBND thành phố Phúc Yên giao Phòng Tài nguyên và Môi trường với vai trò cơ quan chuyên môn phụ trách lĩnh vực, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện của các đơn vị xã, phường hàng tuần và hàng tháng, tổng hợp số liệu, báo cáo UBND thành phố trong các buổi giao ban đầu tuần. Từ đó, UBND thành phố kịp thời quán triệt, nghiêm khắc nhắc nhở các đơn vị chậm triển khai thực hiện việc rà soát, lập hồ sơ xử lý. Các địa phương, đơn vị gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm trễ, thiếu quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ việc phát sinh mới. UBND thành phố đã thành lập Đoàn thanh tra toàn diện trong công tác quản lý nhà nước, trong đó có lĩnh vực quản lý đất đai đối với UBND các xã Ngọc Thanh, Cao Minh - những địa bàn để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm phát sinh mới.
Theo thống kê, đến ngày 31/8/2022, tổng số có 797 trường hợp còn tồn tại, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Phúc Yên phải xử lý dứt điểm, diện tích vi phạm gần 10,6 ha. Cụ thể: 630 trường hợp vi phạm lấn, chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, các dạng vi phạm khác thời điểm trước ngày 1/7/2014, diện tích vi phạm gần 8,2 ha; 30 trường hợp vi phạm lấn, chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, các dạng vi phạm khác thời điểm sau ngày 1/7/2014 , diện tích vi phạm 0,15 ha; 97 trường hợp giao đất trái thẩm quyền, diện tích hơn 2,2 ha; 40 trường hợp thu tiền sử dụng đất nhưng chưa được giao đất.
Xã Ngọc Thanh là địa bàn rộng và có nhiều đồi núi. Đây là nơi có tình trạng vi phạm luật đất đai rất phức tạp. Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Phúc Yên, UBND xã Ngọc Thanh đã tổ chức nhiều hội nghị, đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân tự ý chấp hành việc tháo dỡ các công trình xây dựng sai phạm trên đất rừng, đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có một số công trình quy mô nhỏ do người dân tự nguyện chấp hành việc tháo dỡ. Chủ của nhiều công trình quy mô lớn vẫn cố tình chây ỳ, không chấp hành. Đáng quan tâm là có trường hợp còn cố tình thách thức pháp luật, tỏ thái độ bất hợp tác với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Điển hình là ông Trần Ngọc Quang (địa chỉ thường trú tại xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội) được Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh với diện tích đất được giao là 3.096 m2 đất, trong đó có 400 m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Ông Quang tự ý lấn, chiếm thêm khoảng 1,5 ha đất liền kề và tự ý thay đổi hiện trạng đất, xây dựng tường bao và nhiều công trình trái phép trên diện tích đất lấn chiếm. Chính quyền xã Ngọc Thanh đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu dừng thi công nhưng ông Quang thường xuyên né tránh, vắng mặt tại địa phương. Ông Trần Ngọc Quang đã xây 9 công trình trên đất không được phép xây dựng, bao gồm nhà bảo vệ rộng 9 m2 xây dựng trên đất hoang, nhà ở trên đất hoang với diện tích xây dựng 162,6 m2, bể chứa nước trên đất hoang với diện tích xây dựng 107,2 m2 và trên đất thủy lợi là 13,5 m2; đồng thời đang xây dựng nhà trên đất lúa, diện tích xây dựng 90,2 m2 và các đất khác cả trăm m2.
Trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Vân Anh (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển và Dịch vụ Gia Phúc, địa chỉ tại phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) đã tự ý cải tạo đất, xây dựng nhiều công trình trên đất lâm nghiệp tại thôn Đồng Chằm, xã Ngọc Thanh từ năm 2020 với diện tích cả trăm m2.
Trước những vi phạm và có biểu hiện thách thức pháp luật của không ít trường hợp, thành phố Phúc Yên đã lập kế hoạch kiên quyết cưỡng chế thu hồi hoặc giải tỏa, trả lại nguyên trạng đất với những hộ cố tình vi phạm, khởi tố hình sự những trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.